Ngày đăng 08/05/2024 | 12:00 AM

Hội thảo Khung hướng dẫn xây dựng đô thị xanh, phát thải thấp, hướng tới mục tiêu trung hòa Carbon

Lượt xem: 91  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngày 8/5/2024, tại Hà Nội, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC) đã tổ chức Hội thảo Khung hướng dẫn xây dựng đô thị xanh, phát thải thấp, hướng tới mục tiêu trung hòa Carbon.

Hội thảo Khung hướng dẫn xây dựng đô thị xanh, phát thải thấp, hướng tới mục tiêu trung hòa Carbon được tổ chức với sự tham gia của các đại biểu đại diện tổ chức quốc tế, đại diện các Bộ, Ban ngành TƯ và địa phương. Về phía Học viện Cán bộ quản lý cán bộ xây dựng và đô thị có sự tham gia của: TS. Trần Hữu Hà – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện AMC; PGS.TS.KTS, Nguyễn Vũ Phương – Phó Giám đốc Học viện AMC, TS. Phạm Văn Bộ - Phó Giám đốc Học viện AMC; về phía tổ chức quốc tế có bà Franziska Schmidtke – Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng tại Châu Á (FES Việt Nam),  Ông Florian Beranek, Chuyên gia cao cấp quốc tế – Xây dựng xanh và bền vững tại các đô thị Việt Nam, Ông Thomas Krause – Chuyên gia CIM- GIZ về Kinh tế tuần hoàn; Diễn giả đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường: Ông Trần Hà Ninh – đại diện Cục Biến đổi khí hậu, diễn giả Nguyễn Minh Khoa - chuyên gia xây dựng Dự thảo Khung hướng dẫn và đồng thời cũng là điều phối chính của Hội thảo. Ngoài ra còn có các đại diện đến từ các đô thị, các sở Xây dựng, sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn – là những cơ quan sẽ có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng lộ trình của các địa phương thực hiện cam kết tại COP 26.

Hiện nay, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu; Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn dài hạn, nhằm cải thiện tình trạng BĐKH, tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu... Việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước và các đô thị Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp.

Trong bối cảnh nêu trên, trong năm 2023, Viện FES (CHLB Đức) đã phối hợp với Học viện AMC xây dựng Khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp hướng tới mục tiêu trung hòa carbon. Đây được coi là phiên bản 1.0 và cần được cập nhật, điều chỉnh để hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế cũng như đặc điểm của từng đô thị.

 

 


TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phát biểu tại Hội thảo Khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Hữu Hà Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc học viện AMC khẳng định biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức nghiêm trọng mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong những nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với gần 150 quốc gia nhằm đưa lượng phát thải ròng về mức “0” vào giữa thế kỷ này. Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết về đưa lượng phát thải ròng về mức "0" là xu hướng tất yếu và không thể đảo ngược, do đó, việc nỗ lực thực hiện các cam kết này sẽ mang lại lợi ích to lớn và lâu dài cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng các đô thị là nguồn phát thải khí nhà kính (KNK) đặc biệt lớn. Khoảng 50% dân số trên thế giới hiện nay đang sống tại đô thị và sẽ tăng lên tới 70% vào năm 2050 theo dự báo của Liên Hợp Quốc (UN). Đô thị cũng là khu vực tiêu thụ tới 80% năng lượng của toàn cầu. Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khu vực đô thị đóng góp tới 67% năng lượng có liên quan tới phát thải khí nhà kính và có khả năng tăng lên 74% vào năm 2030. Cùng với việc dân số đô thị sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030, tương ứng với khu vực phát triển đô thị mới cùng hệ thống hạ tầng sẽ tăng lên gấp ba. Do đó nhu cầu về năng lượng và chi phí cho xây dựng và phát triển đô thị sẽ tăng lên đáng kể. Đô thị vừa là nguyên nhân của BĐKH nhưng đồng thời cũng là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH do đô thị là nơi tập trung dân cư, các hoạt động phát triển và công trình hạ tầng.

Học viện AMC là đơn vị hàng đầu của Bộ Xây dựng trong công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng. Hàng năm AMC thực hiện hơn 250 lớp với hơn 20.000 lượt học viên, và với mục tiêu cùng nỗ lực đồng hành với các đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển đô thị bền vững, trong những năm gần đây, Học viện AMC và FES đã phối hợp triển khai một số hoạt động như nghiên cứu, đào tạo tập huấn về một số nội dung đề cập ở trên. Trong năm 2023, Học viện AMC và Viện FES đã phối hợp xây dựng dự thảo “Khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp hướng tới trung hòa các-bon”. Theo kế hoạch đặt ra, Dự thảo “Khung hướng dẫn” sẽ được hoàn thiện trong năm 2024 và sẽ là tiền đề để chúng ta tiếp tục cộng tác trong các năm tiếp theo nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

 

 

Bà Franziska Schmidtke - Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng tại Châu Á, FES Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

 

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Franziska Schmidtke – Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng tại Châu Á (FES Việt Nam) cho rằng, sự hợp tác của FES với AMC là sự hợp tác mang tính cộng đồng quốc tế, giúp Việt Nam có thể tìm ra cách thức phát triển đô thị xanh, những mẫu hình về đô thị xanh nhằm đạt được mục tiêu phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Đánh giá về BĐKH bà Franziska Schmidtke cho rằng BĐKH và ứng phó với BĐKH là một vấn đề mang tính thách thức toàn cầu mặc dù có những mâu thuẫn quốc tế cũng đang phát sinh hoặc bất ổn thị trường… nhưng vấn đề BĐKH vẫn là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt và thường gắn với những mâu thuẫn khác như: năng lượng, thực phẩm…  cần xử lý vấn đề này với sự đoàn kết quốc tế.

Nhấn mạnh sự hợp tác của FES với Việt Nam và cộng đồng quốc tế để Việt Nam có thể tìm ra cách thức đạt được phát thải dòng bằng “0”. AMC là một trong những đối tác rất dài hạn của FES. FES cam kết có thể phát triển xây dựng đô thị xanh và những mẫu hình đô thị xanh để đóng góp vào tương lai. Vì hiện nay, trên toàn cầu, đô thị chịu trách nhiệm 75% về tiêu thụ năng lượng, tương ứng với lượng phát thải KNK. Bên cạnh đó, các đô thị cũng chịu áp lực có thể ứng phó với BĐKH bao gồm cả việc mực nước biển dâng và những hiện tượng thời tiết tính cực đoan. Chúng ta cần sự hợp tác cũng như hành động ở tất cả các cấp độ để có thể ứng phó với BĐKH và để đảm bảo tính cân bằng. FES hợp tác với AMC và đưa ra những cam kết về đô thị xanh phát thải thấp ở khu vực đô thị hướng tới mục tiêu trung hòa Carbon. Hội thảo là cơ hội để các bên cùng nhau thảo luận về khung hướng dẫn xây dựng đô thị xanh, phát thải thấp, hướng tới mục tiêu trung hòa Carbon. Có thể nói đây là phiên bản 1.0, mong muốn nhận được phản hồi tích cực từ hội thảo để các bạn có thêm kiến thức hiểu biết sâu và ngược lại FES có thể phát triển hơn nữa, đồng thời hướng tới mục tiêu ứng dụng nghiên cứu khoa học với thực tiễn để đạt hiệu quả tốt hơn.

Với vai trò là Diễn giả Ông Trần Hà Ninh – đại diện Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành viên tham gia các đoàn công tác của Việt Nam tham dư các kỳ họp COP nêu khái quát những cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28, đồng thời ông Ninh cho biết, Chính phủ Việt Nam thể hiện những nỗ lực triển khai cam kết qua hệ thống VBQPPL và các văn bản chỉ đạo, điều hành trong: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng Ozon; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK; Chiến lược quốc gia về BĐKH phê duyệt theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030…

 

 

PGS. TS.KTS, Nguyễn Vũ Phương – Phó Giám đốc Học viện AMC trình bày tham luận tại Hội thảo.

 

Tiếp nối là bài chia sẻ của PGS. TS.KTS, Nguyễn Vũ Phương – Phó Giám đốc Học viện AMC cho rằng, các đô thị cần đưa ra các biện pháp quyết liệt như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng các công trình chống lũ và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường qua việc áp dụng những bài học và khuyến nghị phù hợp.

Theo dự thảo “Khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon”, có 5 bước hướng dẫn phát triển đô thị xanh, ít phát thải. Trong đó, đầu tiên là xác định mục tiêu, tầm nhìn và phạm vi; tiếp đến là xác định các nhiệm vụ cần thực hiện; đưa ra các biện pháp và giải pháp; thu hút và phân bổ các nguồn lực; và cuối cùng là phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện. Góp ý cho dự thảo Khung hướng dẫn, một số địa phương mong muốn nội dung Khung hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn cho từng địa phương để dễ áp dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế mỗi đô thị đều có tính đặc thù riêng (đô thị nhỏ, đô thị lớn, đô thị vùng núi, đô thị đồng bằng, đô thị ven biển…). Khung hướng dẫn cũng không thể tham vọng đưa ra hướng dẫn chi tiết cho từng địa phương. Do đó, cần có sự chủ động triển khai Khung hướng dẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự phát triển phù hợp với điều kiện, đặc thù của mỗi địa phương. Thời gian tới, trên cơ sở nền tảng Khung hướng dẫn, FES cũng như các tổ chức quốc tế khác sẽ phối hợp với Việt Nam tiếp tục làm rõ các Khung chương trình cho từng trường hợp đặc thù; hoặc có thể xây dựng thí điểm một số đề án cho từng địa phương cụ thể.

 

 


Một số hình ảnh tại Hội thảo.

 

Đại diện phía địa phương đến từ Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo chia sẻ: Hiện nay, ở Hải Phòng đang triển khai thực hiện theo Nghị định số 06/2022NĐ-CP. Đây là vấn đề cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hải Phòng nỗ lực trong việc loại bỏ carbon hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với định hướng cụ thể như: Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu đến năm 2050 giảm tải khí nhà kính như: Cập nhật Kịch bản các-bon thấp cho thành phố Hải Phòng; Bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính của thành phố hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”; Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Triển khai các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính  theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 với các việc làm cụ thể như: Yêu cầu 68 cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg gửi báo cáo về việc cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan phục vụ kiểm kiểm KNK; Tổ chức thẩm định kết quả kiểm kê KNK cấp cơ sở năm 2024 trở đi đối với các cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê KNK; Tổ chức Hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ứng phó với BĐKH theo Luật BVMT cho các cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK trên địa bàn thành phố.

Hội thảo Khung hướng dẫn xây dựng đô thị xanh, phát thải thấp, hướng tới mục tiêu trung hòa Các-Bon đã diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều kiến thức quý giá từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Ngoài ra, AMC sẽ trao đổi với các tổ chức FES để xây dựng đề án phù hợp, toàn diện và hiệu quả cho các địa phương. Thay vì các chương trình đô thị khác nhau, có thể tổng hòa các nội dung để thể lồng ghép được nhiều lĩnh vực khác nhau, tiếp cận với các đô thị thông minh. Đây là việc cần làm trong thời gian tới và sẽ có nhiều chương trình bổ ích, hiệu quả cho các địa phương.

Mong rằng trong thời gian tới, với sự đồng hành của các Bộ, Ban, Ngành TƯ cũng như sự chung tay từ các địa phương, sớm xây dựng và ban hành Khung hướng dẫn để có kế hoạch ứng phó với BĐKH với những nội dung phù hợp với từng địa phương. Xây dựng đô thị xanh, phát thải thấp, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon sẽ góp phần giảm nhẹ và thích ứng BĐKH, mang lại lợi ích cho cộng đồng và môi trường./.

Lê Hảo
Lượt xem: 91  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207