Ngày đăng 23/02/2024 | 12:00 AM

Thực hiện chính sách nhà ở cho người dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Lượt xem: 100  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đó là nội dung được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” (Đề án) trong năm 2024, do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 22/2/2024.


 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

 

Đánh giá kết quả thực hiện Đề án thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận Bộ Xây dựng, cùng các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc hết sức sát sao, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách một cách căn cơ, bài bản, nghiêm túc.

Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện Đề án là bước khởi đầu, thí điểm, từ đó xác định tồn tại, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ. Đây là nhiệm vụ chính trị, huy động sự tham gia hưởng ứng của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Phó Thủ tướng cho biết, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng, cùng với các Bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng những nghị định, thông tư hướng dẫn, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở… vào cuộc sống. Trong đó, tập trung xác định đối tượng được mua, thuê NƠXH; trình tự thủ tục đầu tư; tiếp cận vay vốn ưu đãi…

Liên quan đến khó khăn về quỹ đất phát triển NƠXH, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, phải đơn giản hoá các tiêu chí xác định đối tượng được mua NƠXH, như: Chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, chưa được mua NƠXH, có việc làm thu nhập ổn định…; Bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua NƠXH làm ký túc xá cho công nhân…

Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… tham gia thống kê, đề xuất, để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở. Từ đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phục vụ nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xoá nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn…

Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, Luật Đất đai năm 2024 không hạn chế sử dụng quỹ đất đã có, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền quyết định để chuyển mục đích sử dụng sang làm NƠXH.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển NƠXH, do đó, bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực NƠXH theo cơ chế thị trường; Cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; Thành lập quỹ về NƠXH…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phân loại, cùng với các Bộ, ngành rà soát nhóm vấn đề đã được giải quyết bằng văn bản pháp luật mới ban hành, nhóm vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp không chỉ phản ánh bất cập, vướng mắc, mà tích cực tham gia kiến nghị, đề xuất giải pháp, sáng kiến để đưa các chính sách NƠXH thực sự đi vào cuộc sống, đạt được mục tiêu đặt ra trong Đề án, hướng tới mọi người dân, ở hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận nhà ở…

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư NƠXH cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH trên phạm vi địa bàn…


Anh Mai Minh/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 100  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207