Ngày đăng 02/01/2024 | 12:00 AM

Hoàn thiện thể chế ngành Xây dựng

Lượt xem: 109  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới, Cục, Vụ thuộc Bộ đã có những đề xuất, kiến nghị với các đơn vị, địa phương.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh: Tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Ngành


 

Năm 2023, Bộ Xây dựng hoàn thành khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn, đặc biệt là 2 dự án Luật quan trọng là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua; hoàn thành 2 đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước, chuẩn bị đưa vào Chương trình xây dựng luật để trình Quốc hội trong Kỳ họp tới.

Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có tác động lớn đến người dân và DN. 2 dự án Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, tuy nhiên đã được cộng đồng DN, các hiệp hội đón nhận và phản hồi tích cực ngay sau khi 2 dự án Luật được thông qua.

Bên cạnh đó, 2 dự án Luật đã giao trách nhiệm cho Chính phủ, Bộ Xây dựng và đặc biệt là UBND cấp tỉnh trong việc ban hành một số quy định triển khai đầy đủ, đồng bộ và toàn diện các chính sách mới.

Bộ Xây dựng hiện đang đề xuất Chính phủ ban hành 5 Nghị định và một số Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; có chỉ đạo để bảo đảm tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó quy định chi tiết về kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.

Do đó, các địa phương cần quan tâm xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện, gửi Bộ Xây dựng để Bộ rà soát, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp về nội dung, phạm vi, đối tượng kiểm tra trong kế hoạch kiểm tra thi hành pháp luật của Bộ; xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, thực hiện các quy định pháp luật của ngành Xây dựng.

Năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ chuẩn bị, và triển khai thực hiện khối lượng lớn các văn bản, trong đó ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn hai dự án Luật mới; Triển khai xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Để dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có tính khả thi, cần sự vào cuộc của các địa phương trong việc rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Chương II của Luật Xây dựng năm 2014, đề xuất các chính sách phù hợp.

Cùng với đó, triển khai các bước xây dựng 2 dự án Luật là Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Cấp, thoát nước. Các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Trần Thu Hằng: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch


 

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc đã tham mưu thực hiện nhiều hội thảo, lấy ý kiến của các địa phương, Bộ ngành, các Hội, Hiệp hội đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Hiện nay, dự thảo Luật cơ bản đã tiếp thu ý kiến đóng góp, đang hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ trong tháng 02/2024.

Với tinh thần của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như quá trình hoàn thiện thể chế, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc hướng tới nội dung gọn nhẹ, linh hoạt hơn về quy trình, sản phẩm quy hoạch; Đơn giản hóa các trình tự, thủ tục, cấp độ quy hoạch. Quy hoạch phải chuyển đổi từ công cụ kế hoạch hóa sang vấn đề thu hút, kêu gọi nguồn lực đầu tư, phát triển cho đô thị nông thôn. Tích hợp các quy hoạch ngành có liên quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Hiện nay, các địa phương đã hoàn thiện hệ thống dữ liệu GIS cho công tác quy hoạch như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... Nội dung này sẽ hỗ trợ công tác lập quy hoạch để xây dựng hệ thống quy hoạch chất lượng, hiệu quả.

Năm 2023, công tác quy hoạch được triển khai từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đến nay, số lượng quy hoạch được thẩm định, phê duyệt chiếm gần 80% tổng số các quy hoạch. Vì vậy, công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng cần được đẩy nhanh, nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa quy hoạch cấp trên.

Vụ Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất địa phương quan tâm, đảm bảo tiến độ khi triển khai các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Đối với quy hoạch khi hình thành đô thị mới, cần lưu ý đô thị hình thành từ các huyện, xã lên đô thị loại V; phải thể hiện mô hình, cấu trúc phát triển các đô thị này. Sở Xây dựng cần quan tâm đến chỉ tiêu sử dụng đất khi thực hiện vai trò thẩm định.

Đồng thời, Vụ đề nghị địa phương lưu ý, quan tâm đến tổ chức lập quy hoạch, công tác đánh giá hiện trạng, pháp lý dự án; Tuân thủ quy chuẩn, quy hoạch xây dựng; Quan tâm đến kế hoạch thực hiện, đưa quy hoạch vào thực tiễn; Chỉ ra tính khả thi của nguồn lực thực hiện quy hoạch; Quan tâm công cụ quản lý kiến trúc, định hình vấn đề kiến trúc cho các đô thị…

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hoàng Hải: Chủ động thực hiện giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường BĐS


 

Từ nửa cuối năm 2022 đến nay, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn: Sức mua và thanh khoản giảm mạnh; thiếu nguồn cung; cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thừa sản phẩm phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, NƠXH…

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ có nhiều văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhận diện các khó khăn, phân loại nguyên nhân, xác định thẩm quyền giải quyết ở các cấp và đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Sau 9 tháng triển khai Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành đã làm việc với quyết tâm cao nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường BĐS.

Kết quả, trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); đang trình Quốc hội Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) xem xét, để thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thời gian tới.

Tính đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, DN đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 191 dự án BĐS. Tổ công tác đã xem xét, phân loại và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 475 dự án NƠXH, với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng. Ngoài ra, đã có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, một số dự án được giải ngân với số vốn khoảng 143,3 tỷ đồng…

Để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, các Bộ, ngành, địa phương, DN phải thực hiện tốt nhiệm vụ. Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi); thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục làm việc với các địa phương để tiếp tục rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án BĐS.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lập danh mục dự án nhà ở, BĐS trên địa bàn; đánh giá cụ thể nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở…

Các DN kinh doanh BĐS cần nghiên cứu, tối ưu hóa các thiết kế nhà, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ mới; chủ động nghiên cứu tái cơ cấu giá cả, sản phẩm phù họp với nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Yến Mai/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 109  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207