Ngày đăng 19/12/2023 | 12:00 AM

Chính sách phát triển nhà ở xã hội: Tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả

Lượt xem: 109  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Trong hơn 8 tháng qua, các địa phương và nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã và đang tập trung triển khai tích cực gói vay hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng. Có đến hơn 52 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi với nhu cầu lên đến gần 26.000 tỷ đồng.


 

Tiếp tục triển khai có hiệu quả gói vay ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho chính sách nhà ở xã hội (ảnh: Ng.Q)

 

Hướng dẫn triển khai kịp thời

Thời gian qua, trên cơ sở Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được đề xuất để cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất vay trung, dài hạn VNĐ bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại.

Mục tiêu chính của gói tín dụng này là để triển khai nhiệm vụ đã được đề ra tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và thời gian thực hiện đến năm 2030.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn việc triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Ngày 01/4/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Văn bản số 2308/NHNN-TD, hướng dẫn cụ thể về: Nguyên tắc; thời gian triển khai chương trình; thời gian ưu đãi, mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà; lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà…

Ngay sau đó, ngày 20/4/2023, Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 1551/BXD-QLN hướng dẫn cụ thể về: Đối tượng vay vốn là chủ đầu tư dự án, khách hàng mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; về điều kiện, tiêu chí đảm bảo theo quy định pháp luật về tín dụng đồng thời phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí phải có hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư đối với cá nhân và phải có trong danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư do UBND cấp tỉnh công bố theo quy định đối với chủ đầu tư dự án.

Về xác định danh mục dự án, Bộ Xây dựng ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp.

Theo Bộ Xây dựng, các địa phương và nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10/2023, đã có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay ưu đãi gói tín dụng này, với nhu cầu vay vốn lên đến 25.884 tỷ đồng (như: Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận). Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay 24.655 tỷ đồng và 03 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ có nhu cầu vay 1.229 tỷ đồng.

Đến nay, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1 tỷ đồng (trên 1.095 tỷ đồng), gồm: Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng; Liên doanh Công ty Cổ phần Nhà số 6 Hà Nội và Công ty Cổ phần Tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 13,4/950 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp tích cực

Thời gian qua, tại nhiều diễn đàn, Thủ tướng luôn nhấn mạnh và nêu rõ quan điểm của Chính phủ khi triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng không phải chỉ để "giải cứu" thị trường bất động sản trước mắt mà còn đáp ứng mục đích lâu dài (giai đoạn 2023-2030) góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Chính vì vậy, thời gian tới đây, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp quan trọng.

 


Luật Nhà ở năm 2023 với nhiều chính sách mới về phát triển nhà ở xã hội.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành luôn được đặt lên hàng đầu. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã rất tích cực với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các đạo luật đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất cao.

Bên cạnh đó, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư.

Ngoài ra, việc đôn đốc các địa phương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư đủ điều kiện vay vốn để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo gói 120 nghìn tỷ đồng cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Cũng phải nói thêm về Luật Nhà ở 2023 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ hợp thứ 6 với tỷ lệ tán thành cao và được nhiều chuyên gia đánh giá là đạo luật về lĩnh vực nhà ở có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua.

Trong Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, giảm giá thành nhà ở xã hội theo hướng như: Được miễn tiền sử dụng đất của toàn bộ dự án và không phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất (giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính); được hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần nhà ở xã hội (trước đây là cả dự án)…

Hay việc được dành quỹ đất (hoặc quỹ sàn) tối đa không quá 20% diện tích đất ở của dự án để đầu tư, kinh doanh dịch vụ thương mại (không phải nhà ở) phục vụ cho cư dân của dự án, chủ đầu tư được tự chủ kinh doanh diện tích sàn thương mại dịch vụ này và không phải hạch toán chung vào cả dự án…

Trong thời gian tới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ 5 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để các chính sách pháp luật về nhà ở, bất động sản nói chung và chính sách nhà ở xã hội nói riêng thực sự đi vào đời sống.

Hà Khánh/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 109  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207