Ngày đăng 06/12/2023 | 12:00 AM

Hội thảo Nhà ở xã hội - Hướng tới phát triển bền vững

Lượt xem: 183  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Sáng 06/12/2023, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Hội thảo Nhà ở xã hội tiếp tục được tổ chức với chủ đề 3: Hướng tới phát triển bền vững.

Tới dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Australia, các hội nghề nghiệp, trường đại học, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, các doanh nghiệp cùng nhiều kiến trúc sư đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Xây dựng.

Nội dung chính của Hội thảo lần này bao gồm các chủ đề: Huy động vốn cho NƠXH; Xây dựng tuần hoàn cho NƠXH; Một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển NƠXH; Những điểm mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi).



PGS.TS. Nguyễn Vũ Phương - Phó Giám đốc AMC phát biểu khai mạc Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Phương - Phó Giám đốc AMC cho biết, Hội thảo “NƠXH hướng tới phát triển đô thị bền vững” nằm trong chuỗi các Hội thảo do AMC tổ chức. Là đơn vị tư vấn đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng, AMC tổ chức Hội thảo với mong muốn nhận được nhiều góp ý và giải pháp từ các chuyên gia, nhà quản lý, diễn giả, qua đó thúc đẩy phát triển NƠXH theo đúng mục tiêu đề ra.



Ông Thomas Krause trình bày Phương pháp tiếp cận tuần hoàn thúc đẩy tính khả thi về kinh tế và sinh thái của NƠXH


Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe ông Thomas Krause, chuyên gia về kinh tế tuần hoàn của CIM trình bày Phương pháp tiếp cận tuần hoàn thúc đẩy tính khả thi về kinh tế và sinh thái của NƠXH. Theo ông Thomas Krause, ngành Xây dựng chiếm đến 50% tiêu thụ vật liệu toàn cầu trong khi nhu cầu về nhà ở sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, điều đó đòi hỏi các phải giáp để ngăn chặn sự cạn kiệt tài nguyên, tiết kiệm chi phí xây dựng. Việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giảm thiểu đầu vào và đầu ra tài nguyên bằng cách áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn, từ đó góp phần giảm thiểu chất thải, tạo ra hệ thống tái tạo (nước, năng lượng, kinh tế sinh học) và các chi phí khác.

Việc tiết kiệm chi phí trong xây dựng, phát triển NƠXH sẽ tạo sức hút, sự hấp dẫn cho các nhà phát triển, chủ đầu tư dự án NƠXH. Đồng thời, việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong các dự án NƠXH sẽ đảm bảo cuộc sống lành mạnh, đáp ứng các tiêu chuẩn cho người dân.

Dẫn chứng cho điều này, ông Thomas Krause nhấn mạnh các mô hình thành công, hiệu quả khi áp dụng phát triển các giải pháp xây dựng tuần hoàn cho các dự án nhà ở, trong đó có NƠXH, chung cư tại một số quốc gia như: Estonia, Đan Mạch, Trung Quốc, Philippines...

Đối với Việt Nam, nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy hoạt động xây dựng trở nên bền vững hơn, nhất là đối với việc thực hiện các dự án NƠXH. Tuy nhiên, để triển khai cần có thêm những thảo luận sâu hơn về vấn đề này và lưu ý về sự hợp tác của các bên liên quan khác nhau.  



Ông Florian Beranek chia sẻ thành công của mô hình NƠXH tại thành phố Vienna, Cộng hòa Áo


Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp quốc tế - xây dựng xanh và bền vững tại các đô thị Việt Nam đã cung cấp, giới thiệu kinh nghiệm, thành công của mô hình NƠXH tại thành phố Vienna, Cộng hòa Áo.

Theo đó, sự ra đời của NƠXH tại thành phố Vienna vào những năm 1920 là một sáng kiến mang tính lịch sử, thể hiện cam kết của thành phố trong việc cung cấp nhà ở giá rẻ cho người dân, trọng tâm không chỉ là xây dựng nhà ở mà còn tạo ra các cộng đồng và cung cấp các tiện ích như công viên, trường học, cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Hơn 60% dân số Vienna hiện đang sống trong các căn hộ NƠXH và hơn 80% cư dân tại thành phố này là người đi thuê nhà. NƠXH ở Vienna có tính lâu dài và ổn định, với một số hợp đồng thuê nhà kéo dài suốt đời và được truyền qua nhiều thế hệ. Đáng chú ý, NƠXH ở Vienna phục vụ nhiều tầng lớp xã hội, không chỉ những người dân có thu nhập thấp.

Các dự án NƠXH hiện đại ở Vienna được thiết kế chú trọng đến tính bền vững và chất lượng cuộc sống và NƠXH tại Vienna có giá rất phải chăng, với chi phí thuê nhà thường thấp hơn giá thị trường. Cam kết bền vững của thành phố đối với nhà ở xã hội đã giúp Vienna liên tục xếp hạng cao về chỉ số khả năng sống toàn cầu

Dựa trên mô hình của Vienna, Việt Nam có thể phát triển các cơ chế minh bạch trong quản lý phân bổ và tiền thuê nhà. Bên cạnh đó, tận dụng nguồn lực của cả khu vực công và tư nhân để đáp ứng nhu cầu NƠXH hiệu quả hơn.



TS. Phạm Văn Bộ - Phó Giám đốc AMC cho rằng cần tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nguồn vốn NƠXH


Chia sẻ về vấn đề huy động vốn cho NƠXH, TS Phạm Văn Bộ, Phó Giám đốc AMC cho rằng, cần tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nguồn vốn NƠXH.

Trong đó, có quỹ phát triển NƠXH từ các nguồn: ngân sách nhà nước; tiền thu từ quỹ đất cho NƠXH; vốn tín dụng trong nước; cá nhân và các doanh nghiệp; vốn góp từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; nguồn vốn ODA và nguồn từ các tổ chức quốc tế; phát triển trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương.

TS Phạm Văn Bộ nhìn nhận, việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH.

Tham luận ở phần cuối Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Phương đã giới thiệu 02 nội dung: Những điểm mới của Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến NƠXH; Nhà ở xã hội thuê và thuê mua – hướng tới phát triển bền vững và an toàn cho người thu nhập thấp.



Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Hội thảo diễn ra rất sôi nổi, chương trình thảo luận tại Hội thảo đã đưa ra được nhiều ý kiến góp ý, giải pháp, bài học kinh nghiệm nhằm phát triển bền vững nhà ở xã hội trong tương lai.

Hoài Nam - AMC
Lượt xem: 183  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207