Ngày đăng 09/11/2023 | 12:00 AM

Khai giảng khóa Bồi dưỡng Tổng quan về đô thị thông minh tại Bắc Kạn theo Dự án "Thành lập trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng"

Lượt xem: 120  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Sáng 09/11/2023, tại Bắc Kạn, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC) phối hợp với Sở Xây dựng Bắc Kạn tổ chức chương trình bồi dưỡng Tổng quan về đô thị thông minh thuộc “Dự án thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng” (Dự án VKC) cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý xây dựng và đô thị trên địa bàn tỉnh.

Tham dự khai giảng khóa học, về phía Sở Xây dựng có bà Hoàng Thị Thúy – Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn, về phía Học viện AMC có  PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng và Đô thị cùng hơn 100 học viện của khóa bồi dưỡng.

Cùng với sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ở Việt Nam, phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Về định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018: Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) nhằm đóng góp vào việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh. 

Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt nam – Hàn quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (VKC) do Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông Hàn Quốc tài trợ cho Bộ Xây dựng nhằm mục đích thành lập một trung tâm hợp tác chuyên nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh nói chung, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc cũng như giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc. 

Hiện nay, cả nước ta có 60/63 địa phương xây dựng đô thị thông minh, còn 3 địa phương đã dự thảo và trình tỉnh/thành uỷ. Bắc Kạn đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) từ đầu năm 2021 và phấn đấu sớm đưa tỉnh Bắc Kạn trở thành đô thị thông minh.  Nhìn chung các đô thị Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu triển khai phát triển đô thị thông minh theo tinh thần của Đề án 950. Bên cạnh lợi thế là sự ủng hộ từ chính quyền trung ương thì các đô thị còn đang lúng túng trong việc xác định mô hình đô thị thông minh phù hợp với đặc điểm của mình. Chính vì vậy, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh là vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là học hỏi từ các nước châu Á có một số đặc điểm tương đồng, trong đó đáng kể đến là Hàn Quốc.

 

 

Bà Hoàng Thị Thúy – Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn cảm ơn Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ xây dựng đã lựa chọn Bắc Kạn để tổ chức đào tạo các nội dung về Đô thị thông minh theo Dự án VKC

 

Phát biểu tại khóa đào tạo, bà Hoàng Thị Thúy – Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn đề cao vai trò tầm quan trọng của chuyển đổi số đặc biệt là trong xu thế hội nhập và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, thành phố Bắc Kạn đã và đang từng bước làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong ứng dụng công nghệ số vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, hiện thực hóa việc xây dựng trung tâm thành phố trở thành đô thị thông minh. Thành phố Bắc Kạn là đơn vị hành chính có hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và viễn thông có chất lượng cao, đồng bộ và hiện đại, với nhiều tiện ích tiên tiến nhất so với các địa phương trong tỉnh. Chính quyền thành phố đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều hành, quản lý của thành phố bao gồm: Cổng thông tin điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số điện tử... Nhất là trong quá trình quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư mới trên địa bàn, thành phố tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, ngầm hóa các đường điện, cáp thông tin... Đối với các công trình nâng cấp, cải tạo, tùy điều kiện từng khu vực, thành phố thực hiện nâng cấp, cải tạo theo định hướng ngầm hóa. Tuy nhiên, để đáp ứng được với nhu cầu và sớm hiện thực hóa việc xây dựng đô thị thông minh, thì việc đào tạo nguồn nhân lưc là việc hết sức quan trọng nhằm thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị trong thời kỳ mới.

Cũng tại khóa học, bà Thúy trân trọng cảm ơn Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ xây dựng đã lựa chọn Bắc Kạn để tổ chức đào tạo các nội dung về Đô thị thông minh theo Dự án VKC (chỉ 3 tỉnh Miền núi phía Bắc vinh dự được Dự án lựa chọn thực hiện lớp đào tạo với nội dung về Đô thị thông minh). Với những nội dung được cập nhật nhằm tăng cường đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo về công nghệ đô thị thông minh của Đề án VKC càng có ý nghĩa hơn khi tỉnh Bắc Kạn là một trong số ít đô thị Miền núi phía Bắc đang thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng đến xây dựng đô thị thông minh. Nội dung chương trình rất thiết thực bao gồm cả lý thuyết, thảo luận trao đổi các tình huống vướng mắc tại địa phương. Do vậy, để khóa bồi dưỡng đạt hiệu quả cao, bà Thúy đề nghị các đồng chí học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự khóa học đầy đủ nhằm tiếp nhận các kiến thức mà giảng viên đã truyền đạt để vận dụng giải quyết hiệu quả nhiệm vụ được giao tại địa phương, đơn vị, mạnh dạn trao đổi, thảo luận những vướng mắc, hạn chế, bất cập trong hoạt động thực tiễn trên địa bàn để cùng giảng viên làm sáng tỏ, đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn tại địa phương và công việc hàng ngày.

 

 

Hơn 100 học viên tham gia bồi dưỡng Tổng quan về đô thị thông minh tại Bắc Kạn.

 

Tham gia khóa bồi dưỡng, các đại biểu được tiếp cận nhiều nội dung, như: Giới thiệu hệ thống văn bản pháp luật, chính sách, thể chế; Tổng quan cách tiếp cận đô thị thông minh;  Nội hàm đề án phát triển đô thị thông minh; Cơ sở dữ liệu đô thị thông minh trên nền tảng GIS; Dịch vụ tiện ích đô thị thông minh; Công tác chuyển đổi số các lĩnh vực ngành Xây dựng; Hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh; Hệ thống thông tin quản lý công trình và các hệ thống giải pháp khác có liên quan (BIM, BSM...).

Khóa bồi dưỡng Tổng quan về đô thị thông minh có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng, các Sở, ngành liên quan, các huyện, thị, thành phố trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Lớp bồi dưỡng giúp trang bị cho học viên một cách cơ bản và có hệ thống các nội dung về đô thị thông minh, cách tiếp cận đô thị thông minh, Nội hàm Đề án phát triển đô thị thông minh, Cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS, Dịch vụ tiện ích đô thị thông minh, công tác chuyển đổi số các lĩnh vực của Ngành.

Với đội ngũ giảng viên của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng có trình độ chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm thực tế và có khả năng truyền đạt nội dung bài giảng một cách khoa học, học viên sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết và bổ ích. Đây là những nội dung trọng tâm để có thể góp phần giúp tỉnh Bắc Kạn phát triển và hướng tới đô thị bền vững. Đồng thời, là một trong những giải pháp chủ yếu giúp cho công tác quản lý xây dựng đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, hướng tới bền vững trong tương lai.


Lê Hảo
Lượt xem: 120  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207