Xây dựng và đô thị

Lĩnh vực xây dựng

Tư vấn, thiết kế, giám sát, quản lý chất lượng, LAS-XD; tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng
Lĩnh vực xây dựng

Người hỏi: Hà Hữu Công - h2cong1017@gmail.com

Câu hỏi chi tiết:

Câu 1. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về công tác giám sát thiết kế? Làm sao để kiểm soát được năng lực thực tế của nhà thầu tư vấn thiết kế, bảo đảm đúng người lập, chủ trì công tác thiết kế, dự toán?

Câu 2. Công tác nghiệm thu hồ sơ thẩm tra thiết kế như thế nào? Có thể vận dụng ra thông báo nghiệm thu như nghiệm thu hồ sơ thiết kế được không?

Hồ sơ thẩm tra thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở phải được chủ đầu tư xác nhận trước khi trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định (Điểm b Khoản 3 Điều 37 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP). Việc xác nhận này có phải là nghiệm thu không? Nếu là nghiệm thu thì trong trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định tiếp tục yêu cầu chỉnh sửa thì chủ đầu tư có cần nghiệm thu lại không, trong trường hợp tư vấn thẩm tra bảo lưu ý kiến (không chỉnh sửa) thì chủ đầu tư có quyền thuê tư vấn thẩm tra khác chỉnh sửa hồ sơ không, kinh phí trong trường hợp này tính như thế nào?

Câu 3. Việc nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng thực hiện theo quy định nào dưới đây?

Có thể vẫn thực hiện nghiệm theo quy định cũ tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP (đã hết hiệu lực từ ngày 26/1/2021), tức là ra thông báo chấp thuận nghiệm thu + phê duyệt trực tiếp vào hồ sơ để tránh bị xử phạt hành chính?

Chủ đầu tư phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng bằng văn bản hoặc phê duyệt trực tiếp tại báo cáo kết quả khảo sát xây dựng (Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP);

Danh mục hồ sơ hoàn thành công trình tại Phụ lục VIB của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định phải có: Văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng;

Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 Văn bản số 08/VBHN-BXD ngày 23/3/2020 hợp nhất Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 8. Vi phạm quy định về khảo sát xây dựng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo bằng văn bản việc chấp thuận hoặc không chấp thuận nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng khi chưa có văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng;

b) Không nghiệm thu hoặc không phê duyệt vào báo cáo kết quả khảo sát xây dựng theo quy định)”.

Câu 4. Việc nhà thầu xây dựng xác định vùng nguy hiểm như thế nào (Khoản 3, Khoản 4 Điều 115 Luật Xây dựng; Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP)? Trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát như thế nào trong việc này?

Câu 5. Việc nhà thầu lập trình chủ đầu tư chấp thuận các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP tại thời điểm nào, trước khi khởi công hay trong quá trình thi công (trước khi thực hiện nội dung công việc liên quan), chấp thuận bằng văn bản hay ký chấp thuận trực tiếp vào hồ sơ nhà thầu trình và các nội dung này có thể gộp vào 1 hồ sơ hay mỗi nội dung phải lập riêng thành từng hồ sơ?

“Điều 13. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng

3. Trình chủ đầu tư chấp thuận các nội dung sau:

a) Kế hoạch tổ chức thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử, quan trắc, đo đạc các thông số kỹ thuật của công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật;

b) Biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình; biện pháp thi công;

c) Tiến độ thi công xây dựng công trình;

d) Kế hoạch kiểm tra, nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận (hạng mục) công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng;

đ) Kế hoạch tổng hợp về an toàn theo các nội dung quy định tại Phụ lục III Nghị định này; các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao đã được xác định trong kế hoạch tổng hợp về an toàn;

e) Các nội dung cần thiết khác theo yêu cầu của chủ đầu tư và quy định của hợp đồng xây dựng”.

Câu 6. Cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030. Ngày 18/3/2021, Hội nghị tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng, một luật cố gắng có hai nghị định là nhiều nhất, một nghị định có không quá một thông tư và ban hành một văn bản thì phải hủy văn bản cũ.

Vậy, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch thực hiện theo chỉ đạo của nguyên Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về nguyên tắc làm luật không? Khi nào sửa đổi, thay thế các Nghị định: 06/2021/NĐ-CP, 09/2021/NĐ-CP, 10/2021/NĐ-CP, 15/2021/NĐ-CP, 50/2021/NĐ-CP và 37/2015/NĐ-CP để cố gắng có 2 Nghị định quy định chi tiết Luật Xây dựng là nhiều nhất? Việc dự kiến ban hành số lượng Thông tư quy định chi tiết các nghị định có tuân thủ nguyên tắc trên không?

Cục Quản lý hoạt động xây dựng Trả lời:

-Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong thi công xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ. Việc kiểm soát năng lực của nhà thầu và người tham gia thiết kế thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn thiết kế thông qua thỏa thuận hợp đồng tư vấn thiết kế.

-Công việc nghiệm thu hồ sơ thẩm tra thiết kế, nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng được thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng tư vấn giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

-Vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình được quy định tại khoản 46 Điều 3 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020, trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định tại khoản 2 Điều 112 và Điều 122 Luật Xây dựng và khoản 2, khoản 3 Điều 115 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 43 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020.

-Trước khi thực hiện các công việc nêu tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ, nhà thầu thi công xây dựng trình chủ đầu tư để được chấp thuận bằng văn bản; căn cứ điều kiện cụ thể thực hiện công việc, nhà thầu thi công xây dựng có thể trình chủ đầu tư tòng công việc hoặc gộp các công việc để chủ đầu tư chấp thuận.

-Việc ban hành Nghị định và số lượng Nghị định ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ.


 

   Nguồn trang: moc.gov.vn (https://moc.gov.vn/vn/pages/ChiTietHoiDap.aspx?chID=3952)
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207