Xây dựng và đô thị

Chuyển tiếp chủ đầu tư, hình thức quản lý dự án, chứng chỉ hành nghề

Quản lý chi phí và thanh quyết toán công trình
Chuyển tiếp chủ đầu tư, hình thức quản lý dự án, chứng chỉ hành nghề

Người hỏi: Trần Văn Đứccucdsduc@gmail.com

Câu hỏi chi tiết:

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, bảo dưỡng sửa chữa công trình đường sắt sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động kinh tế đường sắt, tôi có một số vướng mắc, khó khăn rất mong nhận được sự hỗ trợ của Quý Bộ, cụ thể như sau:

1. Về việc chuyển tiếp chủ đầu tư và thực hiện tạm ứng, thanh toán, quyết toán, nghiệm thu công trình (Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng)

Đối với các công trình sửa chữa định kỳ đường sắt (viết tắt là SCĐK) từ ngày 1/1/2020 đến ngày 10/4/2020 và từ ngày 1/1/2021 đến ngày 5/5/2021

1.1. Căn cứ pháp lý

- Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014: “Chủ đầu tư xây dựng là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng”; Điểm a Khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi tại Khoản 4 Điều 1 Luật Xây dựng năm 2020): “Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và vốn Nhà nước ngoài ngân sách, chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được người quyết định đầu tư giao quản lý, sử dụng vốn để đầu tư xây dựng” và tại Khoản 6 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019: “Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công”.

- Việc giao dự toán năm 2020:

+ Ngày 30/12/2019, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định về việc giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách Nhà nước năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam.

+ Ngày 10/4/2020, căn cứ Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Bộ đã giao dự toán nêu trên cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

- Việc giao dự toán năm 2021: Ngày 30/12/2020, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 2520/QĐ-BGTVT về việc giao dự toán chi kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt từ ngân sách Nhà nước năm 2021 cho Cục Đường sắt Việt Nam.

- Hợp đồng tư vấn bước thực hiện dự án (lập nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ thiết kế; tư vấn lập khảo sát, báo cáo kinh tế-kỹ thuật); hợp đồng thi công xây dựng công trình sửa chữa định kỳ năm 2019, 2020 căn cứ theo Luật Xây dựng, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP, nghị định - thông tư hướng dẫn liên quan và các hợp đồng với các tư vấn khác có liên quan không đề cập đến nội dung chuyển tiếp chủ đầu tư quản lý dự án.

1.2. Đối với các công trình sửa chữa định kỳ chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng trước ngày 30/12/2019: Theo quy định nêu trên, Tổng Công ty làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý, thanh toán, quyết toán, nghiệm thu (nếu có) công trình đến ngày 30/12/2019, nhưng từ ngày 31/12/2019 đến ngày 10/4/2020 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn thực hiện việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán các công trình sửa chữa định kỳ mặc dù chưa có hướng dẫn xử lý chuyển tiếp của cấp thẩm quyền.

1.3. Đối với các công trình sửa chữa định kỳ chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng trước ngày 30/12/2020:

- Tại Khoản ii, iii Điểm b Mục 2 Thuyết minh về việc giao dự toán có quy định việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ chi do chuyển đổi đơn vị dự toán ngân sách từ Tổng Công ty Đường săt Việt Nam sang Cục Đường sắt Việt Nam của Quyết định số 2520 nêu trên: “(ii) Cục Đường sắt Việt Nam chỉ được sử dụng dự toán khi Bộ Giao thông vận tải có đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định về việc quyết toán công trình dở dang, có phương án xử lý chuyển tiếp có quyết định điều chỉnh dự toán nhiệm vụ phù hợp; (iii) Cục Đường sắt Việt Nam chỉ được sử dụng dự toán khi đã trình Bộ Giao thông vận tải đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định về việc phân bổ số dự toàn (như đã nêu phần Thuyết minh kèm Quyết định này) và được Bộ Giao thông vận tải có quyết định điều chỉnh lại số dự toán đã giao trên cho phù hợp”; tại Mục 3. Nguyên tắc phân bổ, giao dự toán lần này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị: “Đơn vị được giao dự toán ngân sách theo Quyết định này chỉ được thực hiện chi dự toán khi đã trình Bộ Giao thông vận tải đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định về việc phân bổ số dự toán (như đã nêu trên) và được Bộ Giao thông vận tải có quyết định điều chỉnh”.

Như vậy, Theo Quyết định số 2520 nêu trên thì việc giao dự toán cho Cục Đường sắt Việt Nam được hiểu Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư đối với các công trình sửa chữa định kỳ theo quy định. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của Tổng Công ty (chủ đầu tư đối với các công trình sửa chữa định kỳ thực hiện trước ngày 30/12/2020) và Cục Đường sắt Việt Nam (chủ đầu tư từ ngày 31/12/2020 đến nay) trong tổ chức thực hiện, tạm ứng, thanh toán, quyết toán, nghiệm thu các công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng và đáp ứng các quy định của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đối với trường hợp này dẫn đến khó khăn khi thực hiện.

Tôi xin hỏi:

(1) Pháp luật về xây dựng có quy định cụ thể việc chuyển tiếp Chủ đầu tư đối với các công trình sửa chữa định kỳ thực hiện nêu tại mục 1.2, 1.3 nói riêng, các công trình khác nói chung hay không? Trường hợp không có quy định thì có thể hiểu sau thời điểm ngày 30/12/2019 (và ngày 30/12/2020), Cục Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư đối với các công trình nêu trên và tổ chức thực hiện theo các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật liên quan trong đó có việc thanh toán, tạm ứng, quyết toán, nghiệm thu; có đúng không?

(2) Do chưa có hướng dẫn xử lý các công trình chuyển tiếp của cấp thẩm quyền nên trường hợp Tổng Công ty vẫn tiếp tục thanh toán, tạm ứng cho nhà thầu thi công, cũng như quyết toán các công trình sửa chữa định kỳ sau ngày 30/12/2019 (và ngày 30/12/2020) có phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng hay không?

2. Hình thức quản lý dự án (QLDA)

2.1. Ủy thác QLDA:

- Theo Điều 12 Thông tư số 16/2016/TT-BXD hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ ngày 3/3/2021 và được thay thế bằng Nghị định số 15/2021/ND-CP.

- Tại Khoản 4 Điều 154 Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội: “4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Như vậy, có thể hiểu Thông tư số 16/2016/TT-BXD nêu trên không còn hiệu lực, mặt khác hình thức ủy thác QLDA không được đề cập đến trong Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Tôi xin hỏi: Đến nay hình thức ủy thác QLDA không còn cơ sở để thực hiện, áp dụng trong quản lý dự án của chủ đầu tư có đúng không?

2.2. Thành lập ban quản lý một dự án thuộc Cục để quản lý một công trình hoặc một số công trình theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, cụ thể giám đốc Ban QLDA phải có đủ điều kiện năng lực theo Điều 73 Nghị định này và các cá nhân phụ trách các lĩnh vực chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề về giám sát thi công xây dựng, định giá xây dựng có hạng phù hợp với nhóm dự án, cấp công trình và công việc đảm nhận. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định này lại quy định, trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện thì giám đốc QLDA phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 73 Nghị định này, trừ trường hợp thực hiện QLDA đầu tư xây dựng công trình có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Tôi xin hỏi:

(1) Tôi có thể hiểu đối với trường hợp thực hiện QLDA đầu tư xây dựng công trình có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng không yêu cầu giám đốc QLDA phải có đủ điều kiện năng lực cho trường hợp thành lập ban quản lý một dự án, chủ đầu tư tự thực hiện quản lý dự án?;

(2) Trường hợp công chức Cục được điều động làm việc có thời hạn tại ban quản lý một dự án có cần có chứng chỉ hành nghề phù hợp với nhóm dự án hay không? Vì trong điều kiện chuyển tiếp các công trình sửa chữa định kỳ, việc có chứng chỉ ngay cần có thời gian.

(3) Chủ đầu tư tự thực hiện dự án; thuê tư vấn QLDA hoặc người quyết định đầu tư áp dụng hình thức ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực (theo điểm a khoản 1 Điều 20 nghị định số 15/2021/NĐ-CP). Do Cục Đường sắt Việt Nam là đơn vị nhận dự toán từ Bộ Giao thông vận tải, mặt khác Cục Đường sắt Việt Nam là cấp quyết định đầu tư các công trình sửa chữa định kỳ được Bộ Giao thông vận tải phân cấp, ủy quyền thì:

(i) Bộ Giao thông vận tải quyết định giao Ban QLDA Đường sắt (trực thuộc Bộ) làm chủ đầu tư đối với các công trình sửa chữa định kỳ;

(ii) Cục Đường sắt Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao cho Ban QLDA Đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, chủ đầu tư vẫn là Cục Đường sắt Việt Nam..

Tôi xin hỏi việc lựa chọn hình thức QLDA trong trường hợp nêu trên có phù hợp với quy định pháp luật và nếu chưa phù hợp thì cần bổ sung, nghiên cứu văn bản hướng dẫn nào?

3. Chứng chỉ hành nghề

- Tại Khoản 6 Điều 3 Luật Đường sắt năm 2017: “Công trình đường sắt là công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt, bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, ga, đề-pô, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống báo hiệu cố định, hệ thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt”.

- Tại Điểm b Khoản 3, Khoản 4 Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định:

“ Điều 67. Chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

3. Thiết kế xây dựng:

b) Thiết kế cơ - điện công trình (không bao gồm công trình đường dây và trạm biến áp): Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến hệ thống kỹ thuật điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt”.

4. Giám sát thi công xây dựng:

b) Giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành về điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt, cấp - thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình.

- Theo Mục 3.2 Thiết kế cơ - điện công trình Phụ lục VI Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ.

- Khoản 3 Điều 62: “3. Cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Nghị định này khi thực hiện các hoạt động xây dựng sau:

a) Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;”.

- Khoản 3 Điều 83: “3. Tổ chức không yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực theo quy định của Nghị định này khi tham gia các công việc sau:

c) Thiết kế, giám sát, thi công hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;

đ) Tham gia hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh, công trình chiếu sáng công cộng; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông; dự án chỉ có các công trình nêu tại điểm này;”.

- Tại Điểm c Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 08/2018/TT-BXD quy định:

“Điều 2. Chuyên môn phù hợp khi xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

3. Đối với lĩnh vực hành nghề thiết kế xây dựng công trình

c) Thiết kế cơ - điện công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành kỹ thuật có liên quan đến thiết kế các hệ thống kỹ thuật điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt;

4. Đối với lĩnh vực hành nghề giám sát thi công xây dựng

b) Giám sát công tác lắp đặt thiết bị vào công trình: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: Điện, cơ khí, thông gió - cấp thoát nhiệt, cấp - thoát nước, chuyên ngành kỹ thuật khác có liên quan đến lắp đặt thiết bị công trình”.

Như vậy, nghị định và thông tư đã có những quy định về việc cấp Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động xây dựng, cũng như một số lĩnh vực không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân, tôi nhận thấy đối với chuyên ngành thông tin, tín hiệu đường sắt, các chứng chỉ hành nghề đều ghi: (i) Đối với cá nhân tham gia thiết kế xây dựng ghi là “Thiết kế điện cơ điện công trình”; (ii) “Giám sát lắp đặt thiết bị công trình”.

Tôi xin hỏi: Chuyên ngành thông tin, tín hiệu đường sắt thuộc đối tượng cần phải cấp chứng chỉ hành nghề tại Điểm b Khoản 3, Khoản 4 Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hay là đối tượng không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Khoản 3 Điều 62, Khoản 3 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP?

4. Thẩm quyền điều chỉnh thiết kế, dự toán

Trong quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán Nhà nước đối với 02 công trình sửa chữa định kỳ đường sắt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã thi công xong trong năm 2019 và nộp hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, tôi đã bảo vệ quan điểm việc điều chỉnh thiết kế, dự toán đối với 2 công trình thuộc thẩm quyền của Cục dựa trên các căn cứ sau:

4.1. Căn cứ pháp lý:

- Điều 84 Luật Xây dựng năm 2014; Điều 11 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 37/2015/NĐ-CP.

- Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD.

- Hợp đồng trọn gói.

- Việc điều chỉnh thiết kế, dự toán đối với 2 công trình nêu trên trong quá trình thi công không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được duyệt (trừ công trình số 2 có giá gói thầu vượt giá gói thầu được phê duyệt).

4.2. Nội dung điều chỉnh thiết kế

4.2.1. Công trình số 1:

- Theo hồ sơ thiết kế đã được Cục phê duyệt không có nội dung đục bỏ phần bê tông xuống cấp, bổ sung cốt thép và đổ bê tông dày 10cm.

- Theo báo cáo kết quả kiểm định của tư vấn kiểm định và chủ đầu tư kiến nghị cho phần kết cấu nhà ga: “Theo kết quả kiểm định tính toán ở trên, cùng với phương án cải tạo sửa chữa mới được Cục phê duyệt là bảo đảm chịu lực”.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công nhà thầu, Ban QLDA, chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh thiết kế đục bỏ toàn bộ phần bê tông sàn tại một số vị trí bị xuống cấp, bố trí bổ sung cốt thép và đổ bê tông dày 10cm trên diện tích S = 500m2.

Căn cứ Điểm a Khoản 3 Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD: “3. Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng điều chỉnh trong các trường hợp: a) Điều chỉnh thiết kế xây dựng do có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực (trừ trường hợp làm tăng tính an toàn cho công trình) và biện pháp tổ chức thi công có ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình;”, công trình đã thay đổi giải pháp kết cấu và vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực nên thẩm quyền điều chỉnh thiết kế, dự toán trong trường hợp này là cơ quan chuyên môn xây dựng đảm bảo phù hợp quy định?

4.2.2. Công trình số 2:

- Điều chỉnh, bổ sung: Do ảnh hưởng đợt mưa gây xói lở và làm thay đổi địa hình mái dốc tại một số vị trí đã gây ra hiện tượng sạt lở đất đá xuống phạm vi công trình. Nhà thầu, ban QLDA, chủ đầu tư đề nghị Cục điều chỉnh thiết kế, bổ sung một số hạng mục: Rãnh đỉnh dài 150m bằng đá hộc xây, xây gờ chắn trên đỉnh đoạn gia cố và gia cố mái taluy dương bằng đá hộc xây.

Tôi xin hỏi: Do việc điều chỉnh quy mô thiết kế ban đầu và khối lượng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu được phê duyệt nên căn cứ theo Điểm a Khoản 2 Điều 37 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì chủ đầu tư phải trình hồ sơ thiết kế điều chỉnh và dự toán người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định (trường hợp này là Cục Đường sắt).

Cục Quản lý hoạt động xây dựng Trả lời:

-Việc Xác định chủ đầu tư tại một thời điểm cụ thể được thực hiện theo Quyết định của người quyết định đầu tư. Thẩm quyền của chủ đầu tư trong việc thanh toán, tạm ứng, quyết toán và nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

-Hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng được quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020, theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện nay thì không có hình thức ủy thác quản lý dự án.

-Đối với hình thức chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án với dự án có quy mô lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì Giám đốc quản lý dự án không phải đáp ứng yêu cầu về năng lực theo quy định tại Điều 73 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.

-Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ, Giám đốc ban quản lý dự án và các cá nhân phụ trách các lĩnh vực chuyên môn thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải có đủ năng lực và chứng chỉ hành nghề theo quy định.

-Việc người quyết định đầu tư giao Ban QLDA chuyên ngành, khu vực làm chủ đầu tư đồng thời quản lý dự án là phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng.

-Các lĩnh vực phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ.

-Đối với công trình không thuộc phạm vi áp dụng của Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020, việc điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/6/2016


Nguồn trang: moc.gov.vn (https://moc.gov.vn/vn/pages/ChiTietHoiDap.aspx?chID=3962)

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207