Xây dựng và đô thị

Điều kiện người có công được xét hỗ trợ về nhà ở

Phát triển đô thị, nhà ở, công sở và thị trường bất động sản
Điều kiện người có công được xét hỗ trợ về nhà ở

Người hỏi: Bà Trần Xuân Diệu - Nghệ An

Câu hỏi chi tiết:

Bố của bà Trần Xuân Diệu (Nghệ An) là bệnh binh 2/3, tỷ lệ thương tật 61%. Bố mẹ bà muốn sửa lại căn nhà cấp 4 xây từ năm 1991, tuy nhiên theo trả lời của cán bộ chính sách xã, do bố mẹ bà Diệu đã sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con trai nên không được hỗ trợ. Bà Diệu hỏi, như vậy có đúng không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Ngày 1/7/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 09/2013/TT-BXD thì đối tượng áp dụng là: “Người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg”.

Các đối tượng này gồm: “Hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm:

Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng”.

Tại Điều 3 Thông tư số 09/2013/TT-BXD quy định việc xác định đối tượng được hỗ trợ về nhà ở phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

“1. Là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành.

2. Đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15/6/2013 (ngày Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong các điều kiện sau:

a) Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới;

b) Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà”.

Trên cơ sở rà soát, UBND cấp tỉnh lập, phê duyệt đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra.

Như vậy, theo nội dung đơn của bà Diệu, nếu bố của bà là người có công, có tên trong danh sách người có công với cách mạng do cơ quan có thẩm quyền quản lý tại thời điểm Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành, có hộ khẩu thường trú tại ngôi nhà đang sinh sống trước ngày 15/6/2013 và dự kiến sửa thì bảo đảm đúng đối tượng và điều kiện được hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ, chỉ có các hộ gia đình người có công với cách mạng có tên trong đề án đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến ngày 31/5/2017 mới thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở.

Đồng thời, theo Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 27/6/2019 của Chính phủ thì việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã kết thúc tại thời điểm ngày 31/12/2019.

 

  Nguồn trang: baoxaydung.com.vn (https://baoxaydung.com.vn/dieu-kien-nguoi-co-cong-duoc-xet-ho-tro-ve-nha-o-307484.html)

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207