Xây dựng và đô thị

Trà lời kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về một số khó khăn, vướng mắc lĩnh vực quy hoạch

Quy hoạch xây dựng, kiến trúc
Trà lời kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về một số khó khăn, vướng mắc lĩnh vực quy hoạch

Cử tri kiến nghị: Thành Phố Hà Nội

Nội dung kiến nghị của cử chi:

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2020 do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 95/VPCP-QHĐP ngày 06/01/2020 với các nội dung kiến nghị như sau:

Câu số 1: “Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, nghiên cứu, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc lĩnh vực quy hoạch: (i) Hướng dẫn tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các Luật: Quy hoạch, Xây dựng và Nhà ở khi giao chủ đầu tư dự án (ii) Thực hiện Luật Xây dựng (đã sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14): Xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng. Sớm có hướng dẫn cụ thế lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch”.

Trả lời cử tri

Bộ Xây dựng trả lời như sau:

(1) Về việc tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án:

Công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng luôn được Bộ Xây dựng tiến hành thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện theo trình tự, nội dung, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Thực hiện Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng), Bộ Xây dựng đang chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, nhà ở… làm cơ sở sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó bao gồm việc nghiên cứu tháo gỡ mẫu thuẫn giữa các luật khi giao chủ đầu tư dự án.

(2) Về việc xem xét bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng. Sớm có hướng dẫn cụ thể việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch:

Pháp luật về quy hoạch xây dựng có quy định về trách nhiệm của Cơ quan tổ chức lập quy hoạch - Đơn vị tư vấn - Cơ quan thẩm định và phê duyệt quy hoạch thông qua quy định về trình tự lập quy hoạch xây dựng và yêu cầu về Tổ chức tư vấn lập quy hoạch xây dựng. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch chịu trách nhiệm về nội dung quy hoạch xây dựng bao gồm sự chính xác của hệ thống các số liệu, tài liệu trong nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng; Cơ quan tổ chức lập quy hoạch và Đơn vị tư vấn cần có quy định cụ thể yêu cầu này trong hồ sơ (hợp đồng) giao/nhận công tác lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.

Về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã quy định đối với nội dung này (Điều 20, Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Điều 16, Điều 17 Luật Xây dựng năm 2014 và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành). Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần căn cứ Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật hiện hành có liên quan để xây dựng các biện pháp thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Câu số 2: “Về công tác lập quy hoạch: Thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Cho phép Thành phố tiếp tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo hồ sơ đã phê duyệt trước thời điểm phê duyệt quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; cho phép Thành phố quyết định về hướng tuyến, quy mô cụ thể đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của Thành phố, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của địa phương đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Giao Bộ Xây dựng có hướng dẫn về quy trình, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật để Thành phố có cơ sở áp dụng”.

Trả lời cử tri

Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Bộ Xây dựng ủng hộ việc Thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng, trong đó Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần lưu ý xác định rõ về sự cần thiết, yêu cầu quản lý, sự phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan (Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thủ đô…).

Quá trình chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng thường kéo dài thời gian, tùy theo điều kiện, tính cấp thiết ưu tiên của dự án, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thể chỉ đạo thực hiện đồng thời các bước chuẩn bị đầu tư với tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, để triển khai các bước tiếp theo thực hiện dự án đầu tư (cấp đất, thiết kế dự án, giấy phép xây dựng…) cần phải trên cơ sở các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt.

Việc lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo trình tự quy định tại khoản 10 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (Điều 51 Văn bản hợp nhất Luật Quy hoạch đô thị số 49/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018). Tuy nhiên, liên quan đến điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, khoản 9 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Quy hoạch đô thị quy định như sau: “Điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị được tiến hành khi nội dung dự kiến điều chỉnh không làm thay đổi tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết; bảo đảm không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch”. Do vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lưu ý, rà soát các nội dung dự kiến điều chỉnh để phù hợp với quy định nêu trên.

Câu số 3: “Tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng và thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung và Đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn Thành phố”.

Trả lời cử tri

(1) Về việc thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung:

Hiện nay, đối với dự án khu nhà ở xã hội tập trung, Thành phố Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 05 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64 ha đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 508/TB-VPCP ngày 31/10/2017 về phát triển quỹ nhà ở xã hội theo nguyên tắc cân đối tỷ lệ tổng thể với quy mô nhà ở thương mại trên toàn địa bàn Thành phố để hình thành các khu đô thị nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ: Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, Thành phố chọn thí điểm một số công trình, dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của Thành phố Hà Nội trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.

Ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.

Ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ số 63/TTr-BXD về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập (không phân biệt quy mô sử dụng đất) như:

- Bổ sung quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở.

- Bổ sung khái niệm “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các nội dung hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, xác định ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

- Sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng: (i) Cho phép dự án nhà ở xã hội loại hình chung cư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất để đảm bảo thống nhất với pháp luật về quy hoạch và tính khả thi; (ii) Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư; (iii) Cho phép khấu trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương; bổ sung quy định ưu đãi đối với trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực...

- Sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở đồng bộ với pháp luật về đấu thầu, đầu tư, nhà ở.

Trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án nhà ở xã hội độc lập có quy mô lớn (từ 50ha trở lên) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định chi tiết Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2021.

(2) Về Đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm:

Ngày 14/10/2020, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 4996/BXD-QLN góp ý cụ thể các nội dung trong Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Đề án) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất tại Văn bản số 3471/UBND-ĐT ngày 19/7/2020. Do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động triển khai thực hiện Đề án trên cơ sở góp ý của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 4996/BXD-QLN nêu trên.

Mặt khác, hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến trình Chính phủ ban hành vào Quý II/2021. Vì vậy, các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của Thành phố Hà Nội nêu trong Đề án, Bộ Xây dựng ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.

Câu số 4: “Tạo điều kiện, hỗ trợ cho Thành phố về mặt thời gian khi xem xét thẩm định, trình duyệt, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; thẩm định các đồ án quy hoạch phân khu nội đô, sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh các Quy hoạch cấp nước, Quy hoạch xử lý chất thải rắn; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch thoát nước”.

Trả lời cử tri

Bộ Xây dựng trả lời như sau:

Hà Nội là đô thị đặc biệt, có vị trí quan trọng về địa chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước. Bộ Xây dựng luôn dành sự hỗ trợ tốt nhất cho thành phố trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ giải trình, hoàn thiện hồ sơ trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo kết luận của Hội đồng thẩm định do Bộ Xây dựng chủ trì.


Nguồn trang: moc.gov.vn (https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1179/66354/tra-loi-kien-nghi-cua-uy-ban-nhan-dan-thanh-pho-ha-noi.aspx)

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207