Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã có hiệu lực. Liên quan đến ngành giao thông có 2 quy hoạch: Quy hoạch mạng lưới đường bộ (do Bộ GTVT và UBND thực hiện trong quy hoạch tỉnh) và quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Bộ GTVT thực hiện). Việc quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ, theo Nghị định 11/2010/NĐ-CP và Thông tư 50/2015/TT-BGTVT thì UBND tỉnh thực hiện; tuy nhiên quy hoạch mạng lưới đường bộ do UBND thực hiện trong quy hoạch tỉnh chỉ quy định chung chung các nội dung. Xin hỏi, quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ thuộc loại quy hoạch nào, do ai thực hiện, cách thức thực hiện như thế nào?
Bộ GTVT trả lời vấn đề này như sau:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch (có hiệu lực từ 1/1/2019) có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ, phần liên quan đến các quy định quy hoạch đường bộ, quy hoạch vùng, theo đó:
- Về quy hoạch mạng lưới đường bộ: Bộ GTVT tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
UBND cấp tỉnh tổ chức lập phương án phát triển mạng lưới đường bộ trong quy hoạch tỉnh căn cứ vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch vùng.
- Về quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: Bộ GTVT tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung xác định cụ thể các điểm giao cắt, hệ thống trạm dừng nghỉ, công trình phụ trợ khác.
Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch có quy định (Điều 27): Các quy hoạch về GTVT đã được phê duyệt có phạm vi, quy mô tương đương các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định của Nghị định này được thực hiện, điều chỉnh cho đến khi các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, hiện nay theo quy định mới nêu trên thì không còn quy định riêng các điểm đấu nối vào quốc lộ do UBND các tỉnh phê duyệt như trước đây nữa, mà các nội dung quy hoạch liên quan đến quốc lộ (bao gồm các điểm giao cắt, đầu nối…) sẽ nằm trong quy hoạch nêu trên do Bộ GTVT tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình triển khai các quy định nêu trên, ngành GTVT còn gặp nhiều tồn tại, vướng mắc. Vì vậy Bộ GTVT đã có Văn bản số 6452/BGTVT-KHĐT ngày 10/7/2019 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo Chính phủ xem xét, xử lý các tồn tại của Bộ GTVT trong việc triển khai các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Trong danh mục các quy hoạch liên quan đến đường bộ, Bộ GTVT có đề nghị quy hoạch đấu nối với quốc lộ do UBND các tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ GTVT theo quy định tại Khoản 2, Điều 29 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP được áp dụng điều khoản chuyển tiếp theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch.
Chinhphu.vn