Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2025.
Khuyến khích tháo bỏ hàng rào công viên hiện hữu
Tại Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội được UBND thành phố ban hành tại Quyết định số 73/2024/QĐ-UBND ngày 31/12/2024, các vị trí điểm nhấn về cảnh quan đô thị gồm trục không gian sông Hồng; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Nam Hà Nội.
Trong đó, trục không gian sông Hồng kết hợp với sông Đuống hình thành không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hoá sáng tạo, trục phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thuỷ, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.
Thành phố phát triển và hoàn thiện hệ thống công viên, cây xanh trên các trục đường, các quảng trường, không gian mở, kết hợp bổ sung và chỉnh trang các tượng đài, vườn hoa, đài phun nước.
Thành phố khuyến khích trồng mới, duy trì và nâng cấp cây xanh trên các trục đường, các mảng xanh tại nút giao, đảo giao thông, tăng cường cảnh quan đô thị tại các đầu mối giao thông.
Đáng chú ý, thành phố khuyến khích tháo bỏ hàng rào hiện hữu tại các công viên; trường hợp đặc biệt bố trí hàng rào thấp và thưa thoáng, tạo không gian thân thiện với người dân, đóng góp tích cực vào việc cải thiện cảnh quan đô thị. Hệ thống chiếu sáng công viên được tăng cường để bảo đảm an ninh và mỹ quan đô thị.
Tạo không gian mở hoặc khoảng lùi tầng 1
Định hướng cụ thể về kiến trúc trên các tuyến đường chính, liên khu vực, đường chính khu vực, Quy chế nhấn mạnh quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị các đoạn tuyến phố theo hướng đảm bảo bố cục không gian hiện đại, sinh động, nhưng ngăn nắp, văn minh.
Bố cục các công trình trên tuyến vừa chú trọng tạo các diện chính hướng về đường phố, các hướng nhìn quan trọng, vừa đồng thời tạo nhịp điệu, chiều sâu đô thị, các khoảng trống không gian cần thiết như sân chơi, cây xanh, vườn hoa...; lưu ý hướng đến sự phù hợp khí hậu, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tối đa tiếng ồn, ô nhiễm khí thải từ giao thông.
Hình thức kiến trúc công trình được sử dụng phù hợp với công năng, hài hòa với không gian xung quanh; khuyến khích tạo không gian mở hoặc khoảng lùi tầng 1 để làm không gian xanh, bố trí chỗ để xe và không gian cho người đi bộ.
Khuyến khích tổ chức các lối đi bộ có mái che hoặc tại tầng 1 liên thông kết nối các công trình trên đoạn tuyến phố hoặc toàn tuyến phố để tạo lối đi bộ liên hoàn và tăng hiệu quả sử dụng công trình.
Kiến trúc cần thống nhất một số nguyên tắc (về màu sắc, tầng cao, vật liệu,...) để tạo nên tính đặc trưng và liên tục của một đoạn dãy phố. Công trình xây dựng tại góc đường phố phải đảm bảo tầm nhìn, an toàn, thuận lợi cho người tham gia giao thông.
Sử dụng màu sắc, vật liệu hoàn thiện thân thiện, phù hợp cảnh quan chung, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và việc lưu thông trên tuyến đường tiếp giáp. Khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng sẵn có tại địa phương và các vật liệu thân thiện với môi trường.
Cải tạo chỉnh trang hệ thống vỉa hè theo hướng giảm bê tông hóa kết hợp bổ sung các tiện ích đô thị như cây xanh đô thị, bồn hoa...
Vỉa hè được cải tạo theo hướng giảm bê tông
Đối với khu vực hiện hữu, Quy chế nêu việc tổ chức kiến trúc đô thị hài hòa về phong cách kiến trúc, chiều cao, khoảng lùi, chi tiết, màu sắc, chất liệu của các công trình và nhà ở riêng lẻ trên các tuyến phố.
Khuyến khích việc nhập các thửa đất nhỏ thành các lô đất lớn hơn và hợp khối các công trình kiến trúc có quy mô nhỏ để hình thành kiến trúc đồng bộ cho tuyến phố và khu vực đô thị.
Nhà ở riêng lẻ khi xây dựng phải phù hợp quy hoạch, tuân thủ chỉ giới xây dựng, khoảng lùi, mật độ xây dựng; độ cao nền, chiều cao các tầng, chiều cao ban công, chiều cao và độ vươn của ô văng, của nhà xây trước đó đã được cấp phép để tạo sự hài hoà, thống nhất toàn tuyến.
Việc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa công trình kiến trúc phải hài hòa với tổng thể chung, phải có tính tương đồng về hình khối, màu sắc, phân vị công trình với các công trình kế cận (trừ một số trường hợp có quy định tại Thiết kế đô thị riêng hoặc một số công trình đặc thù).
Nghiên cứu bổ sung không gian mở trong các khu hiện hữu; khi cấp phép xây dựng công trình cần xem xét có quy định riêng tạo khoảng lùi để hình thành các không gian cho hoạt động cộng đồng.
Đối với một số khu vực, cụm công trình kiến trúc xuống cấp ảnh hưởng mỹ quan đô thị, cần có kế hoạch, giải pháp chỉnh trang, khắc phục.
Cải tạo chỉnh trang hệ thống vỉa hè theo hướng giảm bê tông hóa kết hợp bổ sung các tiện ích đô thị như cây xanh đô thị, bồn hoa, ghế ngồi, thùng rác công cộng, bảng thông tin, nhà vệ sinh công cộng phục vụ cho người dân và du khách (đặc biệt là người già, trẻ em, người khuyết tật).
Ưu tiên mở rộng các ngõ bảo đảm phòng cháy, chữa cháy
Với khu vực dân cư hiện hữu, làng xóm đô thị hóa, Quy chế yêu cầu bảo vệ và phát huy các khoảng không gian trống, không gian mở, vườn hoa, cây xanh, mặt nước hiện có. Bảo vệ, bảo tồn và phát huy các công trình di tích văn hóa, lịch sử và khu vực xung quanh. Hình thành các không gian giao tiếp cộng đồng trong đô thị từ các khu vực không gian mở, công viên vườn hoa, các tuyến phố đi bộ hữu ích.
Có giải pháp sửa chữa, khắc phục các tồn tại về kiến trúc cảnh quan theo hướng lập quy hoạch chi tiết để quản lý, gắn với cải tạo chỉnh trang khu vực dân cư, ưu tiên mở rộng các ngõ, tuyến giao thông nội bộ để kiểm soát xây dựng và đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy.
Kiến trúc công trình hướng tới sự đồng bộ; quản lý kiến trúc mái theo hướng thống nhất; có giải pháp che chắn các bồn chứa nước, các thiết bị sinh hoạt, không gian phơi quần áo... để đảm bảo mỹ quan đô thị.