Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh KHÁNH AN).
Một trong những vấn đề cần đẩy mạnh triển khai là sớm hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về phát triển đô thị từ khâu quy hoạch, triển khai tổ chức thực hiện và quản lý, thậm chí cần tính đến cả khâu tái thiết đô thị.
Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh
Trong những năm qua, hệ thống đô thị cả nước đã tăng nhanh về số lượng, hình thành các vùng đô thị hóa cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Năm 1998, cả nước mới chỉ có 633 đô thị với dân số đô thị chỉ chiếm 24% dân số cả nước thì 10 năm sau đã tăng lên 740 đô thị; các đô thị từ loại IV trở lên tăng từ 86 lên gần 200...
Đô thị hóa tăng nhanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Nhiều đô thị mới hình thành và phát triển, đô thị hiện hữu từng bước được nâng cấp cải tạo, mở rộng về quy mô đất đai, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường...) và hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...), bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống dân cư đô thị từng bước được nâng cao.
Các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia. Nhờ vào sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân ở khu vực thành thị gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn. Chất lượng cuộc sống người dân đô thị ngày càng tăng cao với sự cải thiện rõ rệt về môi trường sống, cảnh quan đô thị, tiếp cận hạ tầng kỹ thuật đô thị và cơ hội phát triển của cộng đồng dân cư
Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập mà sự phát triển đô thị chưa khắc phục triệt để. Đô thị đã được phân loại nhưng chưa định hình rõ mô hình phát triển; quy định phân loại đô thị chưa thể hiện được yếu tố vùng miền, đặc thù, đặc trưng, chưa khuyến khích đẩy mạnh chất lượng đô thị.
Mô hình phát triển còn thiếu tính liên kết, áp dụng các mô hình phát triển mới, bền vững còn thiếu chiều sâu. Sự phân bố đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết, chưa phát huy được kết nối vùng. Việc tổ chức xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch còn yếu, không gắn với nguồn lực, còn dàn trải.
Hạ tầng các trung tâm đô thị lớn bị quá tải, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; tính liên kết còn yếu. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý. Chưa đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương gắn với nâng cao năng lực, trình độ quản lý và phát huy sự tham gia, thực hiện của cộng đồng dân cư trong quản lý phát triển đô thị...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến cho rằng, hiện nay, pháp luật về phát triển đô thị chưa được hoàn thiện, thiếu sự ràng buộc. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhưng quan trọng hơn là khâu tổ chức thực hiện theo quy hoạch vẫn là điểm nghẽn cố hữu.
Thực tế, việc triển khai theo quy hoạch mới chỉ dừng ở việc công bố, thiếu chế tài giám sát, rà soát. Do đó, việc sớm hoàn thiện một bộ luật về quản lý phát triển đô thị rất cần thiết để hình thành một quá trình hoàn chỉnh từ xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý đến tái thiết đô thị.
Phát triển đô thị phải là một quá trình thống nhất, xuyên suốt
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) Trần Ngọc Chính, vai trò của đô thị ngày càng được khẳng định rõ nét với tốc độ tăng trưởng ấn tượng ước đạt 44,3% trong năm 2024, vượt kế hoạch Chính phủ giao. Đây là tiền đề quan trọng để phát huy hơn nữa tầm quan trọng của phát triển đô thị trong sự phát triển chung của kinh tế-xã hội cả nước.
Mặt khác, công cuộc phát triển đô thị hiện nay đã được nâng tầm cao mới, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị khi lần đầu Đảng ta ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã có Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ đạo các bên liên quan tích cực vào cuộc trong việc xây dựng thể chế, trong đó có phát triển đô thị.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, vấn đề được dư luận quan tâm là nguồn lực để phát triển đô thị, “lấy đô thị nuôi đô thị”, trong đó nguồn lực đất đai đóng vai trò rất quan trọng. Việc này không khó và đã được áp dụng tại nhiều quốc gia thông qua việc thành lập những đơn vị được Nhà nước giao quyền hoặc đầu tư bằng vốn nhà nước để tập trung giải phóng đất đai.
Những công ty này chuyên thu hồi đất đai, tập trung phát triển hạ tầng các khu đất rồi đem ra đấu giá đất cho các nhà đầu tư, thậm chí có cơ chế để huy động nhà đầu tư góp cổ phần để phát triển các quỹ đất. Nếu làm được như vậy, Nhà nước mới được hưởng phần lớn lợi tức từ địa tô, chứ không phải như hiện nay khi lợi nhuận thường rơi vào túi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy đô thị phát triển lành mạnh, bền vững.
Phó Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Nguyễn Cao Viên cho biết, Bộ đang tập trung hoàn thiện trình Chính phủ Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị theo đúng định hướng của Nghị quyết số 06-NQ/TW, dựa trên 5 quan điểm đột phá.
Một là, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn. Tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.
Ba là, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; đô thị hình thành, xây dựng mới, vận hành, phát triển, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai.
Bốn là, tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội.
Năm là, đề cao vai trò trách nhiệm chính quyền các đô thị, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia quản lý đô thị, thực hiện phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng xác định rõ phạm vi điều chỉnh, tránh chồng chéo giữa các quy định đã và sắp ban hành, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị, đồng thời tiếp thu các tiến bộ khoa học-công nghệ, xu thế mới của thế giới, phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.