Tập trung phát triển vùng động lực miền Trung, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quyết định số 1281/QĐ-TTg ngày 29/10/2024 của Chính phủ Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế của vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tập trung phát triển một số ngành Công nghiệp nền tảng có lợi thế, các ngành Công nghiệp xanh, công nghiệp chế biến và một số ngành Công nghiệp mới. Tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn để vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước. Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hình thành các trung tâm logistic gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, công nghiệp văn hóa, thể thao.
Phát triển ngành Nông nghiệp của vùng theo hướng sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành Nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi.
Với mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh hỗ trợ việc chuyển đổi và phát triển của các ngành, các tiểu vùng, các địa phương trong vùng theo quy hoạch đã được phê duyệt…
Phát triển logistic theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; đảm bảo tính liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương. Đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh hội nhập quốc tế… Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển nhanh và bền vững vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển các ngành Kinh tế biển, du lịch, dịch vụ.
Được biết, theo số liệu đánh giá sơ bộ lần 1 của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 11,72%, vượt 11% kế hoạch đề ra và đứng thứ 3 cả nước. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,56 triệu tấn, bằng 101,9% kế hoạch.
Theo thống kê chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 19,25%. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 197,7 nghìn tỷ đồng, bằng 105,1% kế hoạch, tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 6.293 triệu USD, bằng 104,9% kế hoạch, tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu ước đạt 10.042 triệu USD, tăng 20,3%; tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn trong năm ước đạt 138.856 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ; đã thu hút được 102 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 12.890,1 tỷ đồng và 367,9 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 1,4 lần về số dự án và tăng 10,9% về số vốn đăng ký.