Thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, số hóa ngành Xây dựng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho ngành và thông qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. (Ảnh minh họa).
Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chuyển đổi số
Ngày 27/8/2024, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị chuyển đổi số ngành Xây dựng. Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, ý kiến phát biểu của đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã có kết luận cụ thể.
Theo đó, ngành Xây dựng là một ngành kinh tế lớn, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, số hóa ngành Xây dựng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho ngành và thông qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Thực hiện chuyển đổi số, trong thời gian vừa qua ngành Xây dựng cơ bản đạt được một số kết quả quan trọng như: Tập trung hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thực hiện nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo yêu cầu kết nối; tạo lập và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thực hiện triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý và cung cấp các tiện ích đô thị thông minh.
Tuy nhiên, qua việc rà soát, đánh giá lại, công tác chuyển đổi số ngành Xây dựng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Nguồn nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số còn thiếu, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; một số nhiệm vụ về chuyển đổi số và xây dựng, phát triển đô thị thông minh triển khai còn chậm tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; năng lực hạ tầng số mới đáp ứng được một phần; hành lang pháp lý phục vụ chuyển đổi số còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Ngày 27/8/2024, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì Hội nghị chuyển đổi số ngành Xây dựng.
Trên cơ sở nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và vướng mắc đã nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, các cơ quan quản lý Nhà nước ngành Xây dựng ở các địa phương nghiên cứu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cần quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị về công tác chuyển đổi số, về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ... Từ đó cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động và đề xuất triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số của từng cơ quan, đơn vị một cách thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực về nâng cao năng lực quản lý, tăng năng suất lao động, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Về công tác hoàn thiện thể chế, các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi hoàn thiện thể chế đảm bảo các quy định pháp luật chuyên ngành Xây dựng được hoàn thiện. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi số phục vụ quản lý điều hành và hiện đại hóa công tác giải quyết TTHC; làm căn cứ để từng bước xây dựng Chính phủ số, quản lý điều hành dựa trên dữ liệu số.
Trong công tác phát triển dữ liệu số, các đơn vị trực thuộc Bộ đẩy mạnh công tác số hóa thông tin, dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng; xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành trong các lĩnh vực của ngành như: Quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch - kiến trúc, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, vật liệu xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn - tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
Các Sở Xây dựng địa phương, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thực hiện đẩy mạnh số hóa dữ liệu được phân cấp theo quy định; đẩy mạnh việc chia sẻ, đồng bộ dữ liệu do Bộ Xây dụng triển khai từ trung ương đến địa phương đảm bảo dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống” như yêu cầu đặt ra theo Đề án 06 của Chính phủ.
Khẩn trương triển khai xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng. Mục tiêu là tạo lập được dữ liệu đầy đủ về hoạt động xây dựng trên toàn quốc, tạo sự thay đổi căn bản về cách thức thu thập dữ liệu, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; hỗ trợ giải quyết TTHC ngành Xây dựng.
Ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động thực tiễn
Trong công tác xây dựng nền tảng số dùng chung, Trung tâm Thông tin, Viện Kinh tế xây dựng và các đơn vị liên quan thuộc Bộ sớm hoàn thiện triển khai và đưa vào sử dụng nền tảng công nghệ số như trợ lý ảo, BIM, GIS và các ứng dụng khác trong xử lý dữ liệu để phục vụ tốt công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan xây dựng tại địa phương đề xuất ứng dụng các nền tảng, công nghệ số trong việc thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch, cấp phép xây dựng và giải quyết TTHC.
Về nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp Trung tâm Thông tin thực hiện bổ sung nguồn nhân lực và nghiên cứu mô hình tổ chức phù hợp cho đơn vị chuyên trách chuyển đổi số của Bộ nhằm thực hiện triển khai các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng chuyển đổi số, đảm bảo an ninh an toàn thông tin mạng, nhân lực vận hành, quản lý các nền tảng số cho ngành Xây dựng.
Về đảm bảo hạ tầng số và an toàn thông tin mạng, Bộ trưởng giao Trung tâm Thông tin đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Từng bước nâng cấp Trung tâm dữ liệu Bộ Xây dựng đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ, đảm bảo tích hợp kết nối tới Trung tâm dữ liệu quốc gia; xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nâng cấp nền tảng chia sẻ dữ liệu.
Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Xây dựng địa phương phải xem chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hiện nay. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, trong công tác cải cách TTHC, các đơn vị tham gia giải quyết TTHC chủ động, tích cực rà roát, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật ngành Xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân và chi phí tuân thủ khi thực hiện các TTHC, hoàn thiện các quy trình điện tử về xử lý, giải quyết hồ sơ trực tuyến toàn trình, phát huy và khai thác triệt để kết quả của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Các địa phương có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy tư duy đổi mới sáng tạo trong toàn ngành Xây dựng; ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, đưa kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào hoạt động thực tiễn của ngành, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, hoạt động sản xuất và kinh doanh của ngành Xây dựng.
Trung tâm Thông tin khẩn trương hoàn thiện, trình ký ban hành Đề án chuyển đổi số ngành Xây dựng trong tháng 9/2024; phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) theo ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của ngành.
Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Xây dựng địa phương, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh phải xem chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn hiện nay và sắp tới để đáp ứng xu thế phát triển; thực hiện chuyển đổi số bằng hành động thiết thực, bằng quyết tâm cao. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị có ý kiến phản hồi về Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.