Ngày đăng 05/12/2023 | 12:00 AM

Bến Tre công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050

Lượt xem: 130  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Sáng 05/12 tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


 

Bà Hồ Thị Hoàng Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phụ trách Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Ngày 17/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1399/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Bến Tre bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012 với diện tích tự nhiên 2.379,7km2, bờ biển dài khoảng 65km.

Bến Tre hiện có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 3 huyện ven biển), gồm 01 thành phố và 08 huyện, với 157 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số khoảng 1.292.397 người, chiếm 5,84% dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh đã thành lập 03 Khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp, cùng 6 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 179,7MW và các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 69,16 MWp đã đi vào vận hành.

Ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Quy hoạch tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông với điểm nhấn là khu lấn biển với diện tích khoảng 50.000ha để mở rộng không gian phát triển. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, đến năm 2050 đạt được mục tiêu là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống.

Theo ông Tam, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh cũng gặp không ít khó khăn vì Quy hoạch tỉnh thời kỳ này theo hướng quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây. Đồng thời, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, nhiều nội dung, công việc mới mẽ và phát sinh trong khi kinh nghiệm lập Quy hoạch theo hướng tích hợp của đơn vị tư vấn và đội ngũ tham mưu còn hạn chế.

“Lãnh đạo tỉnh Bến Tre xác định xây dựng Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, then chốt của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. Quy hoạch là nền móng cho quá trình phát triển lâu dài của tỉnh Bến Tre. Quy hoạch tỉnh cũng là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư, phát triển tại Bến Tre”, ông Tam nhấn mạnh.

Bà Hồ Thị Hoàng Yến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phụ trách Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bến Tre có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giới thiệu và khẳng định tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của Bến Tre trong tương lai; mở ra không gian phát triển mới trên cơ sở phát huy nội lực và tận dụng các hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài. Đây là một bước khởi đầu rất quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre, là cơ sở và tiền đề để công bố, thông tin rộng rãi về định hướng phát triển, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư.

 


Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre công bố quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đền năm 2050.

 

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch, bà Yến giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tập trung thực hiện: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể; Quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả, thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác; Ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và quy định của pháp luật để huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của quy hoạch; Tăng cường quản lý đầu tư, thu hút đầu tư theo quy hoạch được duyệt; Phát triển kinh tế phải hài hòa với giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển cân đối giữa các ngành, không đánh đổi môi trường để chạy theo phát triển kinh tế đơn thuần. Xem con người là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển như mục tiêu trong quy hoạch là “người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc”; Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành nghề có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm; Đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.

 


Bản đồ Phương án quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn tỉnh Bến Tre.

 

Theo quy hoạch được Thủ tướng chính duyệt thì mục tiêu đến năm 2030 Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm; Tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 31 - 33%, dịch vụ chiếm khoảng 44 - 46%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 17 - 19%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 3 - 5%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng; Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 50%; Tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 98 - 100%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 98,5%, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt trên 90%, chất thải nguy hại được xử lý an toàn theo quy định đạt tối thiểu 85% trở lên…

Mục tiêu đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; Phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; Các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại; Môi trường, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ; Con người phát triển toàn diện, có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định, phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh Bến Tre có 37 đô thị, trong đó thành phố Bến Tre là đô thị loại I (thành phố thông minh, sinh thái), 03 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và 31 đô thị loại V.

Thành phố Bến Tre xác định là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa, thương mại, vận tải logistics, du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm phát triển công nghiệp, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, đóng vai trò hạt nhân phát triển của tỉnh; Đô thị Châu Thành, thị trấn Giồng Trôm là các đô thị vệ tinh có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và kỹ thuật cho thành phố Bến Tre; Đô thị Chợ Lách, Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú là các đô thị trung tâm tiểu vùng; Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại của đơn vị hành chính cấp huyện…

Cao Cường/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 130  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207