Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị tại Việt Nam” do Tổng cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) được thiết kế và triển khai nhằm giúp các nhà lãnh đạo, quản lý chính quyền đô thị có tư duy đổi mới, tầm nhìn sáng tạo, nhận thức đúng đắn, qua đó để hoạch định phát triển đô thị đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình đô thị hóa (gọi tắt là Dự án SECO). Dự án thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện hệ thống đô thị Việt Nam thông qua việc gắn kết vấn đề nâng cao năng lực với triển khai thí điểm thực tiễn tại các địa phương. Đề xuất và đưa ra được các kinh nghiệm quý báu trong việc hình thành các phương thức xây dựng và hoạch định chính sách từ Chính phủ tới địa phương. Thông qua việc thực hiện thí điểm tại các đô thị, dự án ISCB sẽ phân tích, đánh giá, tổng hợp, rút kinh nghiệm để xây dựng báo cáo và đề xuất thể chế hóa các sáng kiến thí điểm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển tỉnh/thành phố, nhằm thúc đẩy việc nhân rộng tại các đô thị khác.
Đánh giá chung về khả năng vận dụng hỗ chỗ kỹ thuật vào thực tế của dự án, ta thấy Dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện đối với khu vực đô thị ở Việt Nam thông qua gắn kết vấn đề nâng cao năng lực với triển khai thực tế các giải pháp sáng tạo, cụ thể và phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó đóng góp cho quy trình xây dựng chính sách, cụ thể là việc triển khai và thực hiện Luật Quy hoạch, chuẩn bị cho Luật Quản lý Phát triển Đô thị và các văn bản dưới luật khác.
Ngày 26/10/2023, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng đã tổ chức khoá tập huấn giảng viên (TOT) thuộc khuôn khổ của Dự án SECO. Mục tiêu của khóa đào tạo nhằm chia sẻ cách tiếp cận và nguồn lực kỹ thuật của UN-Habitat về vấn đề Phát triển kinh tế địa phương (PTKTĐP)/kinh tế đô thị; Tổng quan Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chương trình nghị sự đô thị mới (NUA) hướng tới phát triển đô thị bền vững; Kiến tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; Tái thiết đô thị; đồng thời trao đổi thảo luận giải đáp các vướng mắc về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc.
Toàn cảnh lớp Bồi dưỡng giảng viên nguồn (TOT) về phát triển đô thị bền vững tại Quảng Ninh.
Tham dự khai giảng khoá tập huấn về phía đại diện nhà tài trợ UN- HABITAT: Ông Phạm Thái Sơn Giám đốc dự án; về phía Ban tổ chức lớp - Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (học viện): Ông Phạm Văn Bộ - Phó Giám đốc Học viện; về phía đại điện các địa phương có: Ông Trần Việt Quý - Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái, Ông Đào Hoàng Chinh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Thọ, Ông Nguyễn Duy Đông - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lạng Sơn, Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Long, Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông, Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, cùng hơn 40 học viên là đại diện lãnh đạo các sở Xây dựng, các phòng Quy hoạch kiến trúc của các tỉnh thành phố, các giảng viên công tác chuyên môn về phát triển đô thị tại các trường Đại học.
Lớp Bồi Dưỡng giảng viên nguồn (TOT) Về Phát Triển Đô Thị Bền Vững thuộc Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị tại Việt Nam” do Tổng cục kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) được thiết kế và triển khai nhằm giúp các nhà lãnh đạo, quản lý chính quyền đô thị có tư duy đổi mới, tầm nhìn sáng tạo, nhận thức đúng đắn, qua đó để hoạch định phát triển đô thị đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình đô thị hóa.
Khóa đào tạo diễn ra trong ba ngày (từ 26/10/2023 đến 28/10/2023) với các nội dung chính như:
Nội dung 1: Tổng quan Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chương trình nghị sự đô thị mới (NUA) hướng tới phát triển đô thị bền vững
Nội dung 2: Các thông điệp chính về các module
Nội dung 3: Quy hoạch tích hợp trong phát triển đô thị Bền vững
Nội dung 4: Quy trình quy hoạch tích hợp có sự tham gia
Nội dung 5: Phát triển kinh tế địa phương gắn với định hướng phát triển đô thị bền vững;
Nội dung 6: Đồng thuận giữa các bên liên quan trong phát triển đô thị bền vững
Nội dung 7: Kỹ năng tổ chức thực hiện khóa đào tạo, bồi dưỡng
Nội dung 8: Phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả
Nội dung 9: Kiến tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc;
Nội dung 10: Tái thiết đô thị
Nội dung 10: Trao đổi thảo luận giải đáp các vướng mắc về công tác quản lý QHKT
Với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, chủ trì nghiên cứu hoặc trực tiếp tham gia công tác tổ chức, quản lý một trong các lĩnh vực về quản lý phát triển đô thị; các học viên sẽ được chia sẻ những vấn đề mới như giải pháp thích hợp trong phát triển kinh tế địa phương. Sự phát triển gắn với những mục tiêu phát triển bền vững. Vai trò của chính quyền đô thị và kiến tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Điểm nổi bật của khóa học là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch và quản lý đô thị chia sẻ những kinh nghiệm nhằm giải đáp các vướng mắc về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.