Ngày đăng 23/08/2023 | 12:00 AM

Sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch xây dựng

Lượt xem: 215  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Dự án xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ bao gồm các quy định về nội dung lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện pháp luật.


 

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (ảnh: T.Chi).

 

Sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cử tri tỉnh Thái Nguyên có ý kiến liên quan đến việc nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 để đồng bộ với hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn. Trong nội dung kiến nghị có dẫn chiếu một số nội dung, cụ thể:

Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định: “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị” (khoản 1 Điều 20). Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư (khoản 4 Điều 21).

Trong khi đó, tại Luật Xây dựng năm 2014 cũng quy định: “Cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng” (khoản 1 Điều 16). Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng ít nhất là 20 ngày đối với cơ quan, 40 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư (tại khoản 4 Điều 17).

Với các quy định trên thì quá trình tổ chức lập quy hoạch xây dựng cần nhiều thời gian cho nội dung lấy ý kiến vào cả nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, gây ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo Bộ Xây dựng, thực hiện nhiệm vụ được Lãnh đạo Chính phủ giao và trên cơ sở thực tiễn, yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch, quản lý phát triển, đầu tư xây dựng theo quy hoạch, Bộ đã chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (trên cơ sở hợp nhất Chương II Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình Xây dựng Luật Pháp lệnh năm 2024.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Trong đó, dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật hiện hành, mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật có liên quan, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện các quy định pháp luật. Dự án Luật sẽ bao gồm các quy định về nội dung lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Thời gian tới đây, trong quá trình xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về các nội dung được cử tri kiến nghị. Dự kiến luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tháng 11/2024, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025.

Minh Khánh/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 215  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207