Ngày đăng 10/08/2023 | 12:00 AM

Hậu Giang: Phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A đến năm 2030

Lượt xem: 185  |  Chia sẻ: 0
(AMC) UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Quyết định số 1331/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định này, huyện Châu Thành A phát triển kinh tế theo hướng bền vững dựa trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của huyện, dựa vào 4 trụ cột chính là: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.


 

Một góc trung tâm huyện Châu Thành A (ảnh: Trung Quân).

 

Theo Đồ án này, huyện Châu Thành A gồm toàn bộ diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính khoảng 16.053ha, bao gồm 10 đơn vị hành chính: 04 thị trấn (Một Ngàn, Bảy Ngàn, Cái Tắc, Rạch Gòi) và 6 xã (Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Trường Long A, Trường Long Tây). Ranh giới phía Đông giáp huyện Châu Thành; Phía Tây giáp huyện Vị Thủy và huyện Giồng Riêng của tỉnh Kiên Giang; Phía Nam giáp huyện Phụng Hiệp; Phía Bắc giáp huyện Phong Điền, huyện Thới Lai và quận Cái Răng của thành phố Cần Thơ. Tỷ lệ lập quy hoạch: 1/25.000.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa các khu vực phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2030 và xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 huyện Châu Thành A hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao trên cơ sở khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh sẵn có.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành A phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng. Khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội; các tiềm năng về con người, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

 


Thị trấn Cái Tắc cửa ngõ tỉnh Hậu Giang.

 

Định hướng phát triển hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp và đô thị, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao điều kiện sống của người dân. Khai thác tiềm năng lợi thế, tài nguyên đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng. Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, theo chiến lược toàn diện và cân bằng. Xác định sự hình thành và phát triển hệ thống đô thị, nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong huyện Châu Thành A qua các giai đoạn ngắn và dài hạn. Định hướng kết nối hệ thống hạ tầng của huyện Châu Thành A với hạ tầng chung của tỉnh Hậu Giang và các khu vực liên quan.

Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐTTg ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Quy hoạch tỉnh Hậu Giang, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp; Hướng đến trở thành một trong những vùng phát triển công nghiệp hiện đại của tỉnh Hậu Giang mang tính bền vững và tạo ra giá trị sản xuất đạt hiệu quả cao.

Tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính huyện Châu Thành A phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, yêu cầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung đề xuất các khu vực có lợi thế để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp một cách bền vững, phù hợp theo xu thế phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tạo cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư, khai thác lợi thế, thế mạnh của huyện để phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội, công nghiệp, đô thị - dịch vụ, du lịch và nông thôn trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của địa phương và phù hợp với chủ trương chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang trong thời kỳ mới. Đến năm 2025, xây dựng đô thị Cái Tắc đạt các tiêu chí của đô thị loại IV; phấn đấu xây dựng thị trấn Một Ngàn cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV; hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và đến 2030. Là cơ sở tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 


Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh.

 

Huyện Châu Thành A được xác định là cửa ngõ giao thông thủy, bộ và thông thương quan trọng phía Bắc của tỉnh; Vùng tập trung phát triển các trung tâm đô thị - công nghiệp. Vùng nông nghiệp chuyên canh năng suất cao, ổn định là nền tảng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao. Là khu vực cung cấp các dịch vụ vận chuyển, hàng hóa nông sản xuất khẩu và nguyên liệu đầu vào cho các ngành, công nghiệp chế biến nông sản của vùng ĐBSCL. Là khu vực phát triển du lịch, đặc biệt phát triển loại hình du lịch sông nước, miệt vườn và bảo tồn, trang trại nghỉ dưỡng. Đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh cũng như vùng ĐBSCL.

Theo đó, cơ cấu kinh tế huyện Châu Thành A theo hướng bền vững dựa trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của huyện, dựa vào 4 trụ cột chính là: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Tập trung sản xuất nông sản thế mạnh của huyện theo chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh; phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng, lấy chất lượng dịch vụ; phát triển đô thị xanh; đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo.

Định hướng phát triển không gian theo mô hình phát triển vùng huyện là “Mô hình phát triển tập trung cụm - tuyến” với đặc điểm phát triển theo từng “cụm” gồm các trung tâm đô thị - dịch vụ - công nghiệp và được kết nối với các “tuyến” hành lang kinh tế hiện có và dự kiến. Các cụm đô thị, dịch vụ và công nghiệp, gồm một số các đô thị (hiện hữu hoặc dự kiến phát triển) kết hợp các chức năng dịch vụ hoặc công nghiệp, được gắn kết với nhau đóng vai trò là trung tâm và động lực chính cho sự phát triển các tiểu vùng.

Hình thành 02 phân vùng, liên kết với nhau bằng các trục hành lang kinh tế: Phân vùng 1: Là vùng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, là vùng có mật độ đô thị hóa cao do tác động mạnh từ 4 trung tâm thị trấn của huyện: thị trấn Một Ngàn (huyện lỵ), thị trấn Cái Tắc, thị trấn Rạch Gòi và thị trấn Bảy Ngàn. Phân vùng 2: Là vùng phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Ưu điểm của mô hình là xác định được các khu vực trọng tâm, các cụm đô thị - dịch vụ - công nghiệp và các tuyến hành lang kinh tế chủ đạo làm động lực chính, từ đó có kế hoạch ưu tiên phát triển cho các khu vực này tránh việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm cho tất cả các khu vực trên địa bàn huyện.

Theo đó, Tiểu vùng 1 - Vùng động lực phát triển: Gồm 04 thị trấn Một Ngàn (huyện lỵ), Cái Tắc, Rạch Gòi, một phần thị trấn Bảy Ngàn và 04 xã: Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Tân Hòa, một phần xã Nhơn Nghĩa A. Diện tích khoảng 8.053ha. Quy mô dân số đến năm 2030 là 109.500 người. Trong đó, dân số đô thị là 68.000 người và nông thôn là 41.500 người; Đến năm 2040 là 130.000 người. Trong đó, dân số đô thị là 100.000 người và nông thôn là 30.000 người; Tầm nhìn đến năm 2050 là 162.500 người. Trong đó, dân số đô thị là 135.000 người và nông thôn là 27.500 người.

Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Châu Thành A; Là Trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của huyện. Phát triển các trung tâm thị trấn và 03 xã (xã Tân Hòa, xã Thạnh Xuân và xã Tân Phú Thạnh) theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết tuyến và cụm; kết nối với các khu, cụm công nghiệp, cảnh quan nông nghiệp; phát triển du lịch gồm Khu du lịch sinh thái Tầm Vu, Du lịch sinh thái miệt vườn…

 

Bản đồ huyện Châu Thành A

 

Tiểu vùng 2 - Vùng nông nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái: Gồm xã Trường Long Tây, Trường Long A và 1 phần xã Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, một phần thị trấn Một Ngàn và thị trấn Bảy Ngàn. Diện tích khoảng 8.000ha. Quy mô dân số đến năm 2030 là 30.500 người; Đến năm 2040 là 37.500 người; Tầm nhìn đến năm 2050 là 40.000 người. Là vùng phát triển sản xuất nông nghiệp, khu dân cư nông thôn gắn liền phát triển du lịch sinh thái. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ gắn với du lịch nông nghiệp, phát triển dân cư du lịch sinh thái, kết hợp duy trì văn hóa dân tộc, du lịch khu vực chuyên canh nông nghiệp, du lịch tâm linh, trang trại tập trung chất lượng cao.

Hiện nay, huyện Châu Thành A đã đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và từng bước đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị hướng đến mục tiêu đạt các tiêu chí đô thị loại IV cho thị trấn Một Ngàn, thị trấn Cái Tắc vào giai đoạn 2025 – 2030. Phát triển dân cư và các dự án đô thị - công nghiệp, đồng thời phát triển thêm một số khu vực đô thị ven sông Hậu, khu vực ven các trục giao thông gắn với vùng phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nông nghiệp tạo động lực cho phát triển kinh tế, phục vụ du lịch…

Huỳnh Biển/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 185  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207