Hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp có liên quan để nghiên cứu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, rà soát kỹ lưỡng từng điều khoản của dự thảo Luật, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tiến độ và chất lượng, cụ thể:
Thứ nhất, tổng hợp báo cáo Chính phủ đầy đủ, phân tích đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề bất cập do các quy định hiện hành và thực tiễn đặt ra về lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản, làm rõ việc sửa đổi, bổ sung sẽ tháo gỡ các vướng mắc của thị trường nhà ở và kinh doanh bất động sản, như: Cơ cấu thị trường không hợp lý, nhất là đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; giá cả chưa phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân; thông tin thiếu minh bạch; huy động vốn, tín dụng bất động sản còn hạn chế, nhiều rủi ro; tranh chấp, khiếu kiện về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người dân trong giao dịch bất động sản tăng lên...
Công tác quản lý Nhà nước còn bất cập về: Cơ chế phát triển nhà ở bền vững, bảo vệ môi trường, thiếu chính sách đồng bộ với phát triển giao thông, năng lượng, nhất là tại khu vực đô thị, thiếu chính sách điều tiết thị trường phù hợp, linh hoạt trong từng thời kỳ; giao dịch phi chính thức không có sự quản lý của Nhà nước, thất thu thuế và ngân sách Nhà nước...
Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước có liên quan đến chính sách nhà ở và kinh doanh bất động sản; cần bổ sung đánh giá tác động, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học, thực tiễn của các đề xuất chính sách; bảo đảm quyền có nhà ở của người dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và lợi ích lâu dài của Nhà nước; rà soát chặt chẽ, không để sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
Thứ ba, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết toàn diện các bất cập chưa được khắc phục về thị trường nhà ở và bất động sản; bảo đảm kế thừa những vấn đề đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp; bảo đảm đúng trọng tâm, đúng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, các chính sách cần tạo ra động lực phát triển mới, bảo đảm tính khả thi của các chính sách.
Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật, bảo đảm tính nhất quán về chính sách, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra phải quy định đầy đủ điều khoản chuyển tiếp, không để khoảng trống pháp lý về các vấn đề phát sinh trong tiễn nhưng chưa có quy định điều chỉnh. Các quy định có liên quan đến các luật khác cần làm rõ điều khoản áp dụng pháp luật, phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát, hoàn thiện quy định về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương theo hướng tăng cường phân cấp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; các quy định về tiêu chí định lượng cụ thể (về điều kiện kinh doanh bất động sản, đặt cọc, thanh toán, thời hạn thực hiện các thủ tục hành chính…) cần linh hoạt trong từng thời kỳ, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính ổn định của Luật.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thảo luận kỹ trong Ban soạn thảo; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp có liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm đúng quy định về trình tự, thủ tục và bảo đảm chất lượng của các dự án Luật.
Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc báo cáo đầy đủ nội dung giải trình, quan điểm đề xuất tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo Luật; bổ sung đánh giá tác động đối với của các nội dung mới so với dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật, báo cáo Chính phủ theo quy định về Kỳ họp Quốc hội và Quy chế làm việc của Chính phủ.