Ngày đăng 04/08/2023 | 12:00 AM

Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Lượt xem: 130  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (Nghị quyết 33/NQ-CP), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn, chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Cũng tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã đề xuất một số giải pháp gỡ vướng cho thị trường bất động sản.


 

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ảnh: VGP/Nhật Bắc).

 

Cần nghiên cứu cơ chế đầu tư rõ ràng cho nhà ở xã hội

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cơ bản giúp thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, do sức mua còn thấp nên lượng giao dịch ở thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng vẫn chưa nhiều, chủ yếu là người có nhu cầu ở thực. Sự tham gia của các nhà đầu tư ngắn hạn còn thấp, thị trường thứ cấp thậm chí còn ghi nhận tình trạng “cắt lỗ”.

Phân khúc nhà ở giao dịch chủ yếu là nhà chung cư và giá nhà có xu hướng tăng khoảng 5 - 10% so với quý III, IV năm 2022. Hà Nội đã có 8 dự án nhà ở xây mới đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản, cung cấp cho thị trường 2.473 sản phẩm, trong đó có 2.273 căn hộ chung cư và 200 căn thấp tầng.

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới, UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh một số cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở đang được Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, tập trung nghiên cứu cơ chế đầu tư rõ nét.

Trước đó, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP có cơ chế khi chủ đầu tư tham gia đầu tư 100% nhà ở xã hội được để dành 20% quỹ đất để làm nhà ở thương mại nhằm bổ trợ cơ chế giá thành cho nhà ở xã hội. Nhưng tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ có điều chỉnh lại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP không có quỹ này và chỉ tập trung vào một số ưu đãi như phát triển các không gian thương mại, dịch vụ, không đủ điều kiện hấp dẫn. Vì vậy, khả năng thu hút một số nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội có phần giảm sút, hạn chế.

UBND Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị, riêng nhà ở xã hội phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Lý do là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, cần phải linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn. Hiện nay, quy trình đấu thầu vẫn còn tốn nhiều thời gian.

Thành phố Hà Nội cũng xin kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương. Trong trường hợp chưa ban hành Nghị định thì đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn vì Thành phố Hà Nội đang quản lý quỹ nhà chuyên dùng vô cùng lớn, nhưng trước đó giao cho các công ty quản lý phát triển nhà nên hệ quy chiếu của quản lý Nhà nước về tài sản công này không rõ ràng.

Đại diện UBND Thành phố nhận định việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạ lãi suất là rất cần thiết để giúp kích hoạt hiệu quả tiếp cận các gói kích cầu, nhưng thời gian tiếp cận các gói kích cầu rất lâu. Chính vì vậy, đề nghị phải có mối liên hệ quản lý liên quan đến hạ lãi suất và tăng cường gói kích cầu cũng như tiếp cận các nguồn vốn.

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cần được thông qua sớm

Phát biểu từ đầu cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết: Trong 5 tháng vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai Nghị quyết 33/NQ-CP và một số văn bản để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS. Thành phố đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành các quy định nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn phối hợp để các đơn vị, Sở, ngành xác định rõ và thực hiện. Trên cơ sở Nghị quyết 98 của Quốc hội thông qua cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố, trong đó phân cấp ủy quyền cho thành phố về quy hoạch chung, cũng như các địa phương của thành phố trong điều chỉnh quy hoạch, trong chấp thuận chủ trương đầu tư...

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 để thành phố tiếp tục lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thành phố mong muốn Chính phủ sẽ có hướng dẫn tháo các khó khăn, nhất là nhà ở xã hội, đất đai, đầu tư...; Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản nhằm đảm bảo cho thị trường tiếp tục phát triển đồng bộ, lành mạnh, bền vững đúng với tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP.

Xem xét điều chỉnh dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư

Còn theo đại diện UBND thành phố Đà Nẵng, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thành phố giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030; Quy chế quản lý kiến trúc thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn đang lập quy hoạch 9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị và 10 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, khu chức năng, dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, Đà Nẵng đã hoàn thành 1 dự án với 1.275 căn. Hiện nay, thành phố đang triển khai 6 dự án với 3.814 căn và đang lập thủ tục đầu tư để kêu gọi đầu 4 dự án có quy mô 3.451 căn. Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng còn giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở công nhân với quy mô 460 căn.

Trong thời gian tới, UBND thành phố kiến nghị Trung ương xem xét tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc lớn. Thứ nhất là việc thực hiện kết luận thanh tra, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhằm tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển tại địa phương.

Thứ hai là việc điều chỉnh dự án đầu tư. Hiện nay ở Đà Nẵng có một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng chưa thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư có đề nghị điều chỉnh dự án như bổ sung mục tiêu, quy mô, tổng nguồn vốn hay thời gian thực hiện. Do đó, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép thẩm định đối với các nội dung đề nghị điều chỉnh của nhà đầu tư để thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thứ ba là chuyển đổi công năng 2 dự án khu ký túc xá sinh viên tập trung phía Tây thành phố và khu ký túc xá tập trung phía Tây thành phố mở rộng tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh sang nhà ở xã hội cho công nhân.

Hiện nay, tại Đà Nẵng có 2 dự án ký túc xá tập trung đã được đưa vào khai thác với quy mô 1.146 phòng. 2 dự án ký túc xá tập trung phía tây Thành phố và khu ký túc xá tập trung phía tây Thành phố mở rộng tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh đang được hoàn thiện với 728 phòng. Khu vực triển khai 2 dự án tập trung nhiều khu công nghiệp lớn.

Nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, khai thác sử dụng công trình, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng 2 dự án nói trên sang nhà ở xã hội cho công nhân để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân tại khu vực quận Liên Chiểu.

Khẩn trương, tập trung triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 33/NQ-CP. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động thành lập các Tổ công tác, tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn.

Các địa phương cần khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Thủ tướng lưu ý các địa phương rằng, các khu đất đẹp và thuận lợi về giao thông cần được ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu hút người lao động, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng phải đẩy mạnh công tác quy hoạch, nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền và chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Hữu Mạnh/baoxaydung.com.vn(tổng hợp)
Lượt xem: 130  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207