Ngày đăng 01/08/2023 | 12:00 AM

Cần hiểu đúng về thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Lượt xem: 117  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Thông tin quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong diện phải sáp nhập đang là vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, dư luận và các bên có liên quan cần phải hiểu đúng và có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.


 

Quận Hoàn Kiếm là trái tim của Thủ đô Hà Nội (ảnh minh họa).

 

Là thông tin dựa trên kết quả rà soát

Trước đó, ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bên cần sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bao trùm, có lộ trình, bước đi, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư…

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Hà Nội có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập.

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành hành chính, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận phải có diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên, dân số 150.000 người trở lên. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp quận, huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập. Như vậy, quận Hoàn Kiếm của Hà Nội không đạt tiêu chuẩn về diện tích nên thuộc diện cần phải sáp nhập.

Trước thông tin trên, dư luận trở nên xôn xao về việc Thành phố Hà Nội có khả năng sẽ tiến hành sáp nhập quận Hoàn Kiếm trong thời gian tới. Chia sẻ với báo chí, nhiều người dân bày tỏ quan điểm cho rằng, quận Hoàn Kiếm mang nhiều nét văn hóa, lịch sử truyền thống của Thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội.

“Tôi thấy không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm với bất kỳ quận, huyện nào lân cận. Dù diện tích không đạt tiêu chuẩn nhưng bề dày về lịch sử, văn hóa, xã hội, du lịch cho đến kinh tế thì không nhỏ. Quận Hoàn Kiếm giữ vai trò đặc biệt trong lịch sử của Thủ đô và cả nước cho nên tên gọi Hoàn Kiếm phải tồn tại”, chị Nguyễn Kim Thành, người dân thuộc quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Theo tìm hiểu, các thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm mới chỉ là thông tin dựa trên kết quả rà soát và đối chiếu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đơn vị hành chính. Thành phố Hà Nội hiện chưa có phương án cụ thể để triển khai sáp nhập quận.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia, cá nhân cũng nhận định thêm, nếu xét theo quy định của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính, cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, phải căn cứ cùng lúc 2 yếu tố về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Quận Hoàn Kiếm chỉ có 5,29km2 diện tích tự nhiên thì quy mô dân số phải đạt trên 200% mới đạt diện không phải sáp nhập theo các tiêu chí. Cụ thể, nếu diện tích tự nhiên của quận, huyện dưới 70% so với quy định diện tích tối thiểu 35km2 thì thuộc diện phải sáp nhập. Nhưng nếu diện tích không đạt 70% theo quy định, quy mô dân số phải đạt trên 200% so với yêu cầu tối thiểu là 150.000 người. Thế nhưng, việc sáp nhập còn phải tính đến yếu tố đặc thù và truyền thống lịch sử… Như vậy, quận Hoàn Kiếm có thể là một trong số các quận, huyện không phải sáp nhập.

 


Quận Hoàn Kiếm là quận nội thành mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử với khu vực phổ cổ.

 

Nên tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thẳng thắn vấn đề này, đối với một quận mang đậm nét lịch sử, văn hóa, kinh tế phát triển mạnh mẽ như quận Hoàn Kiếm, vấn đề sáp nhập với quận, huyện khác không phải là vấn đề thật sự cấp thiết.

Bên cạnh đó, nếu xét theo các quy định về tiêu chuẩn của một đơn vị hành chính, rất khó để tăng hay giảm dân số tại quận nội đô đặc biệt này chỉ để đạt tiêu chí đưa ra. Còn về diện tích, nếu sáp nhập thêm để tăng diện tích quận nếu có trong tương lai có thể không chỉ làm công tác quản lý trở nên khó khăn hơn mà còn dễ làm mất giá trị của các quận, huyện sáp nhập vào…

Thực tế, quận Hoàn Kiếm là nơi có mật độ dân số rất đông, các hoạt động kinh tế diễn ra tấp nập, đặc biệt là khu vực phố cổ. Đây cũng là nơi tập trung của rất nhiều hộ kinh doanh, buôn bán, những người dân đã sống lâu đời cùng phổ cổ. Bên cạnh đó còn là những căn nhà cổ giàu tính lịch sử, văn hóa, các tòa chung cư cũ đã tồn tại hàng thập kỷ qua.

Cho đến nay, Thành phố Hà Nội đã liên tiếp đề xuất và triển khai các chủ trương nhằm bảo tồn khu vực phố cổ để giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa. Theo đó, Hà Nội đang cố gắng giảm mật độ dân số tập trung tại quận Hoàn Kiếm, tiến hành giãn dân phố cổ khỏi các khu vực chung cư nguy hiểm; hạn chế xây dựng các công trình nhà cao tầng; có các quy định nghiêm ngặt về cấp phép xây dựng cũng như cải tạo sửa chữa khu vực phố cổ… Tuy nhiên, các công tác này vẫn chưa được thực hiện triệt để, còn vướng mắc, khó khăn.

Theo anh Nguyễn Văn Hoàng, người dân sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, thay vì tập trung vào thông tin sáp nhập quận, các bên có liên quan nên tập trung vào vấn đề hiện tại của quận cũng như của thành phố hiện nay.

“Quận Hoàn Kiếm đang tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là việc cải tạo chung cư cũ, đảm bảo cuộc sống của người dân. Dân ở đây tập trung rất đông, diện tích thì nhỏ khiến cuộc sống luôn trong tình trạng chen chúc, chật hẹp. Chính quyền, các chuyên gia phải chủ động triển khai những chủ trương, giải pháp cải thiện môi trường, giao thông, xây dựng… để phát triển quận Hoàn Kiếm và tìm cách đảm bảo cuộc sống cho người dân mới phải”, anh Hoàng nói.

Như vậy, đặt trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập các quận, huyện để phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền cùng với Hà Nội không nên quá chú trọng, đặt nặng vấn đề sáp nhập quận Hoàn Kiếm mà nên tiếp tục hoàn thiện chính sách, chủ trương, phát triển kinh tế - xã hội của quận cũng như của Thủ đô. Đồng thời, thành phố cũng cần sớm triển khai những chủ trương đề ra, thực hiện tốt các giải pháp đối với những vấn đề còn tồn đọng xoay quanh quận nội độ đặc biệt quan trọng này.

Yến Mai/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 117  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207