Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị.
Còn tồn tại nhiều khó khăn
Báo cáo tại Hội nghị, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dù đạt nhiều kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh, tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong các vấn đề về thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, đặc biệt là thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng; công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; PCCC; chính sách tín dụng; thị trường, lao động…
Tỉnh Bình Dương kiến nghị các Bộ, ngành trung ương sớm có hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công, nhất là các định mức, chi phí làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư, dự án không có cấu phần xây dựng, dự án giải phóng mặt bằng để có cơ sở tổ chức thực hiện.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sớm có giải pháp thu hút được những đơn vị có chức năng thẩm định giá tham gia tư vấn giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thực hiện thu ngân sách; có hướng dẫn việc xác định nghĩa vụ tài chính và cho ý kiến về thời điểm xác định giá đất; hướng dẫn, nghiên cứu, sửa đổi các quy định và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện các quy định về PCCC; đề xuất các chính sách hỗ trợ lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường nguồn vốn thực hiện hỗ trợ như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Về phía tỉnh Đồng Nai, đại diện UBND tỉnh cho biết, tỉnh đang gặp vướng mắc chủ yếu liên quan chủ trương đầu tư dự án, đặc biệt là dự án Khu đô thị du lịch Long Tân tại huyện Nhơn Trạch, các dự án nhà ở được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nay thuộc thẩm quyền điều chỉnh của UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó là các vấn đề về thủ tục đầu tư dự án xây dựng; quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Đối với thủ tục đầu tư dự án, nhất là dự án nhà ở xã hội, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu bổ sung các chính sách ưu đãi dành quỹ đất và diện tích sàn kinh doanh thương mại trong dự án nhà ở xã hội; sớm có quy định riêng về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng chỉ định nhà đầu tư trong một số trường hợp hoặc rút ngắn thời gian tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về việc cấp giấy phép xây dựng, tỉnh kiến nghị xem xét vấn đề về cấp giấy phép các công trình tại các khu đất du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, công trình khẩn cấp, công trình xây dựng theo tuyến, trạm sạc điện ô tô điện; cấp giấy phép xây dựng trên đất đồng sở hữu… Đối với các vấn đề quy hoạch, tỉnh đề nghị làm rõ hơn vấn đề trình HĐND cùng cấp quyết định về nội dung đồ án quy hoạch; có nghiên cứu để thống nhất các loại đất, có giải thích từ ngữ cụ thể để chuyển tải nội dung quy hoạch xây dựng vào quy hoạch sử dụng đất…
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 3 điểm cầu Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.
Chia sẻ tại Hội nghị về vướng mắc hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, các khó khăn tập trung chủ yếu trong việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với dự án thành phần 2 của dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp; khó khăn trong chính sách, thủ tục hành chính với 2 dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 và 2; chính sách tín dụng; chính sách thuế, phí, lệ phí; thị trường nguyên, vật liệu nhập khẩu và thị trường tiêu thụ xăng dầu trong nước…
UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị các Bộ, ngành xem xét, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp cho tỉnh Tiền Giang; hướng dẫn về danh mục dự án thu hồi đất đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; sớm ban hành quy định về an toàn công trình xây dựng, quy định về môi trường, quy định về phòng chống cháy nổ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; hỗ trợ tỉnh hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án thành phần 2 của dự án công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu…
Chủ động giải quyết, tháo gỡ từng nội dung
Tại Hội nghị, các Bộ ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng đã giải đáp vướng mắc, kiến nghị của từng địa phương, đặc biệt là về đầu tư công, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, công tác quy hoạch, quy hoạch đô thị, dự án điện mặt trời… Các đơn vị sẽ luôn sẵn sàng cùng đồng hành với địa phương giải quyết từng nội dung mà địa phương còn gặp khó khăn.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thông qua các báo cáo, có thể thấy tình hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, đầu tư tại các địa phương đã có chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động làm rõ khó khăn, vấn đề nổi lên trên địa bàn, từ đó đề xuất kiến nghị.
Về đầu tư dự án, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm xem xét, rà soát các quy định pháp luật liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư; tìm kiếm hướng xử lý khó khăn cho các địa phương.
Về công tác PCCC, hiện Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan như QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; chủ động xử lý vướng mắc về PCCC đối với các công trình hiện hữu…
Về cấp phép xây dựng dự án, đặc biệt liên quan đến khu du lịch, sinh thái, điện mặt trời, trạm sạc điện, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ phối hợp với các Bộ ngành có liên quan, sớm có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện.
Về công tác quy hoạch, dựa trên các kiến nghị của 3 tỉnh thành, Bộ Xây dựng ghi nhận và sẽ xem xét, rà soát các nội dung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, có hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, các tỉnh cần phải khẩn trương rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để có điều chỉnh phù hợp; đảm bảo thống nhất 3 cấp độ quy hoạch, lưu ý quy hoạch không gian ngầm.
Về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, các địa phương cần tích cực triển khai thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân. Bộ ngành liên quan sẽ cùng phối hợp, giải quyết vướng mắc trong cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy việc triển khai.
Toàn cảnh Hội nghị.
Với công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại, nghiên cứu, quy định rõ hơn về quy chuẩn kích thước, diện tích nhà ở riêng lẻ. Đồng thời rà soát, sửa đổi các Nghị định liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Các vấn đề về xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất sau khi điều chỉnh quy hoạch… Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn, điều chỉnh các quy định để phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh thành, đặc biệt là tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ xử lý vướng mắc các dự án bất động sản trên địa bàn và các dự án nhà ở xã hội…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các Bộ ngành sẽ tiếp tục lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến của từng địa phương trên nguyên tắc giải đáp, tháo gỡ, phản hồi chính thức bằng văn bản theo thẩm quyền của từng Bộ ngành. Các vấn đề về sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật, Bộ cũng sẽ có báo cáo với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét.