Ngày đăng 18/07/2023 | 12:00 AM

Hội thảo xin ý kiến "Chương trình đào tạo về Đô thị thông minh" trong khuôn khổ Dự án VKC

Lượt xem: 158  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Hội thảo xin ý kiến "Chương trình đào tạo về Đô thị thông minh" trong khuôn khổ Dự án VKC

Sáng ngày 18/7/2023, Hội thảo xin ý kiến về “Chương trình  đào tạo về Đô thị thông minh” trong khuôn khổ Dự án hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (VKC) đã được tổ chức tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ một số đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, các Hiệp hội, giảng viên Đại học kiến trúc và lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Học viện AMC.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị khẳng định: Được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, sự phối hợp của những đơn vị liên quan, thời gian qua, Học viện đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Dự án hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (VKC). Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030. Hội thảo hôm nay nhằm thực hiện Hợp phần 4 của Dự án về: Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh. Chương trình đào tạo về Đô thị thông minh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trên cả nước, góp phần phát triển bền vững các đô thị Việt Nam.


TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị khẳng định: Chương trình đào tạo về Đô thị thông minh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trên cả nước, góp phần phát triển bền vững các đô thị Việt Nam


Với vai trò là Giám đốc Dự án VKC, TS. Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị nhấn mạnh: Hiện nay, trên cả nước đã có 40/63 tỉnh thành có trung tâm điều hành đô thị thông minh. Tuy vậy, chúng ta cần nhận thức rõ: Gốc của đô thị thông minh là phát triển bền vững, không phải cứ lắp các thiết bị hiện đại là thông minh. Chương trình đào tạo về đô thị thông minh Học viện đang thực hiện bao gồm các lĩnh vực như: Tổng quan về đô thị thông minh, Quản lý phát triển đô thị thông minh; Các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị thông minh; Giới thiệu các bộ tiêu chuẩn, chỉ số về ĐTTM; Các nội dung xây dựng đô thị thông minh.


TS. Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Giám đốc Dự án VKC nhấn mạnh: Gốc của đô thị thông minh là phát triển bền vững


Theo chương trình đào tạo về đô thị thông minh của Hàn Quốc có các nội dung như: Tổng quan về đô thị thông minh, Tái tạo đô thị thông minh, Giao thông thông minh, Năng lượng thông minh/Môi trường,  An toàn thông minh/ngăn ngừa thảm họa, GIS, Cuộc sống/văn hóa thông minh, Kinh nghiệm và kết nối ngành. Tại Hội thảo này, Học viện mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia có ý kiến tham vấn về nội dung chuyên sâu trong đào tạo đô thị thông minh đối với từng đối tượng cụ thể. Từ đó, Học viện xây dựng cấu trúc chương trình chi tiết để đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng đánh giá cao việc Học viện đã đi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo về đô thị thông minh, sự tiếp cận của Học viện rất đồng bộ trong các hoạt động của dự án. Ông cho rằng: Nội dung chg trình đào tạo về đô thị thông minh cần cụ thể hoá nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, nội dung chương trình đào tạo về đô thị thông minh nên nhấn mạnh về phát triển bền vững đô thị thông minh.

PGS. TS Nguyễn Hống Tiến - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định: Hội thảo góp ý chương trình đào tạo này rất quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Chương trình đào tạo khá đầy đủ và hoàn thiện, cần cải tiến theo hướng bớt dàn trải, nên tổng hợp lại các nhóm về: Nhóm cơ sở dữ liệu, Nhóm quy hoạch và nhóm vận hành về đô thị thông minh. Hướng đào tạo cần tập trung vào quản trị đô thị thông minh. Nên có nội dung đào tạo về tiến trình các bước cần đạt được để xây dựng đô thị thông minh, giúp cho người học hiểu phải hoàn thiện những gì để phát triển đô thị thông minh.

Đồng tình với chương trình và đối tượng đào tạo của Học viện, Ths. Bạch Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông Tin, Bộ Xây dựng trao đổi: Các chuyên đề chuyên sâu cần lựa chọn thứ tự lĩnh vực cần làm trước. Việc đưa các tiêu chí đô thị thông minh vào ngay trong quá trình lập quy hoạch sẽ hiệu quả hơn. Chương trình đào tạo cần đưa nội dung quản trị đô thị thông minh  vào trong hệ thống dữ liệu.

PGS.TS Vũ Thị Vinh - Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng: Cần cân nhắc lồng ghép chương trình của Việt Nam và Hàn quốc. Chương trình đào tạo nên có quy trình hướng dẫn từng bước thực hiện đô thị thông minh. Bà đánh giá cao dự thảo bộ chỉ số đô thị thông minh của Học viện đang xây dựng. Tuy vậy, nếu đưa bộ tiêu chí này để các địa phương thực hiện cần chọn lọc thật kỹ nội dung, thu gọn và tăng cường tính định lượng hơn.


 

Các đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo


Khẳng định chương trình đào tạo của Học viện xây dựng khá công phu, TS. Vũ Anh – giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội góp ý thêm: Cần xác định nguồn lực đầu tư cho đô thị thông minh gồm nhân lực, vốn và các nguồn lực khác. Trình tự thực hiện các bước tiếp cận đô thị thông minh ở mỗi địa phương khác nhau, trong đó sự nhận thức của cộng đồng rất quan trọng trong phát triển đô thị thông minh. Mặt khác cần vận dụng công cụ trong phát triển đô thị thông minh. Nghị quyết 06-NQ/TW sẽ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để xây dựng các chương trình phát triển đô thị thông minh bền vững. Nên chia nhóm vấn đề cần đào tạo và học tập để chương trình rõ nét và hiệu quả hơn.

Các đại biểu, chuyên gia có mặt tại Hội thảo đều đưa ra nhiều ý kiến góp phần xây dựng nội dung chương trình đào tạo được thiết thực và hiệu quả hơn. Mục tiên cuối cùng của phát triển đô thị thông minh ko phải đạt được bao nhiêu tiêu chí mà là nâng cao chất lượng sống của người dân. Việc thay đổi hướng suy nghĩ của các lãnh đạo địa phương về đô thị thông minh phụ thuộc rất nhiều vào chương trình đào tạo cho họ. Chương trình cần xác định trước hướng và thời gian đào tạo. Phát triển đô thị thông minh phải hướng tới phát triển bền vững theo 17 mục tiêu Liên hợp quốc đã đưa ra. Các chỉ tiêu cần đưa vào bài học cho cán bộ quản lý đô thị. Chương trình đã chuẩn bị chi tiết nhưng cần nhóm lại theo từng lĩnh vực và hướng người học có cách tiếp cận tổng thể hơn,…

Hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành Xây dựng giúp cho chương trình đào tạo về đô thị thông minh trong khuôn khổ Dự án VKC được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới. Song hành với chượng trình đào tạo này, hiện nay Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đang tiến hành xây dựng Đề án nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.


Toàn cảnh Hội thảo xin ý kiến “Chương trình  đào tạo về Đô thị thông minh” trong khuôn khổ Dự án VKC

Admin
Lượt xem: 158  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207