Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo nhằm phân tích, làm rõ 3 nhóm vấn đề như: Mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, những nội dung trọng tâm trong công tác quy hoạch và xây dựng đô thị gắn với yêu cầu về chủ động thích ứng và ứng phó có hiệu quả đối với những tác động tiêu cực về môi trường và biến đổi khí hậu. Từ các đặc điểm riêng của các đô thị vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hạ tầng, văn hóa, xã hội, con người…) làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng quy hoạch và thực thi các chính sách phát triển đô thị phù hợp với yêu cầu thực tiễn (làm rõ cách tiếp cận, công cụ, phương pháp…). Qua các bài học về thực tế và từ những kinh nghiệm quốc tế mà các chuyên gia Pháp trình bày để làm rõ hơn về cách tiếp cận cũng như các giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng cường khả năng chống chịu ở cấp địa phương đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung như thế nào.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã có bài phát biểu, giới thiệu khái quát về vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, khu vực gồm 14 tỉnh ven biển với tổng số lượng đô thị là 210 đô thị, nhận định công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, vùng có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V. Năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 37,5%.
Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa toàn vùng đã đạt trung bình khoảng 1,2%/năm, cao hơn tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 1%). Các đô thị lớn là trung tâm tỉnh lỵ đóng vai trò động lực phát triển không chỉ trong tỉnh mà trong cả vùng miền Trung.
Trên cơ sở ghi nhận những thuận lợi những tiềm năng, lợi thế, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng đã lưu ý, việc phát triển hệ thống đô thị trong vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức như: 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trọng tâm là nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn, là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững. Vùng có địa hình bị phân chia rõ rệt khu vực ven biển ở bờ Đông và khu vực miền núi, dốc ở bờ Tây, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị. Các đô thị hạt nhân, trung tâm cấp vùng chủ yếu nằm phía Đông, ven biển, thuận lợi hơn trong phát triển so với các đô thị phía Tây.
Từ thực tiễn phát triển của hệ thống các đô thị trong những năm qua, với những thuận lợi, khó khăn như nêu trên, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp để phát triển đô thị vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Các địa phương cần tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vùng, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong quy hoạch và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, chú trọng đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng.
Cùng với đó, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tập trung xây dựng các chương trình phát triển đô thị để tích hợp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung – Nam nói chung.
Quang cảnh Hội thảo.
Hỗ trợ liên kết phát triển trục đô thị Đông - Tây. Các đô thị lớn (có hạ tầng hiện đại như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh...) cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng để nâng cao hơn nữa khả năng kết nối, trong vùng cũng như trên cả nước; Các đô thị lớn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế đô thị; tăng cường quan tâm công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, chú trọng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và công trình hạ tầng xã hội; cải thiện chất lượng phục vụ; giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội (như chỗ ở, việc làm...).
Đồng thời, các địa phương có phương án, giải pháp lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản hay Nha Trang, Phan Thiết... với đường bờ biển dài và đẹp... cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực quốc tế. Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Sự đa dạng này chính là ưu điểm của hệ thống các đô thị khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ…