Qua kiểm tra đã giảm 419/712 dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Tại phiên họp sáng 4/7 của Kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của phiên thảo luận chiều ngày 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Phùng Thị Hồng Hà cho biết, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của Thành phố trong triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND Thành phố.
Cụ thể, Hà Nội sẽ tập trung quyết liệt kiểm tra, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai (712 dự án, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung thu hút các nguồn lực để phát triển. "Qua rà soát, đã giảm được 419 dự án (tương đương 58,8%) của tổng số 712 dự án chậm triển khai", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết.
Số dự án còn lại cần tiếp tục xử lý vẫn còn khá lớn: 50/135 dự án chưa được giao đất; 150/404 dự án đã được giao đất tiếp tục cần các cơ quan hậu kiểm, giám sát việc xử lý; 93/173 dự án do các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất.
Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, Chủ tịch UBND Thành phố đã trực tiếp chủ trì làm việc với các Sở, ngành để xem xét, chỉ đạo xử lý, giải quyết cụ thể đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã. Thời gian qua, đã làm việc với các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.
"Ngay sau Kỳ họp HĐND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm như: Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức....", Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết.
Liên quan đến nhóm các vấn đề về quản lý, phát triển đô thị, vệ sinh môi trường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thông tin, thành phố xác định tiếp tục tập trung hoàn thành 3 nội dung quan trọng trong năm 2023: Xây dựng Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô; Luật Thủ đô sửa đổi nhằm xây dựng thể chế phát triển đồng bộ.
Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng…Hiện nay, các Bộ đang tập trung xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, trong bối cảnh UBND Thành phố đang tổ chức triển khai lập đồng thời Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô theo phương pháp tích hợp quy hoạch.
Các nội dung về hạ tầng, liên kết vùng, các vấn đề xử lý ô nhiễm nguồn nước, môi trường, và các vấn đề xã hội dân sinh sẽ được tập trung tích hợp vào các quy hoạch làm căn cứ huy động nguồn lực để đầu tư giải quyết.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đang khẩn trương phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, nhằm tạo hành lang pháp lý đặc thù cho xây dựng và phát triển Thủ đô. "Ngoài ra, đối với các vấn đề dân sinh bức xúc và các đại biểu có ý kiến như vấn đề chung cư cũ, ô nhiễm môi trường…UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành tiếp tục triển khai giải quyết với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, và phục vụ nhân dân.