Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.
Khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Theo đồ án, phạm vi lập quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.
Về ranh giới, Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà phía Tây Bắc giáp Quốc lộ 70; Phía Tây Nam giáp thị trấn Yên Bình; Phía Đông Bắc giáp đường tỉnh 170; Phía Đông Nam giáp Quốc lộ 2D và thị trấn Thác Bà.
Quy mô lập quy hoạch khoảng 53.001ha, thuộc địa phận huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Trong đó, địa phận huyện Yên Bình có diện tích khoảng 42.977ha, địa phận huyện Lục Yên với diện tích khoảng 10.023ha. Thời hạn quy hoạch được xác định đến năm 2040.
Đồ án được thực hiện nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đă được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái và các quy hoạch khác có liên quan nhằm phát triển hồ Thác Bà trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa truyền thống và hệ sinh thái lòng hồ.
Đồ án đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển khu vực hồ Thác Bà đạt các tiêu chí Khu du lịch quốc gia theo tiêu chí tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ
Đồ án hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước; Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Về tính chất, Khu du lịch Hồ Thác Bà là Khu du lịch Quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái lòng hồ Thác Bà; là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu; có sản phẩm du lịch chủ đạo và hình thành thương hiệu cho Khu du lịch.
Khu du lịch cũng là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; Vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; Vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Về dự báo quy mô dân số Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà, đến năm 2030, dân số khoảng 165.000 người, tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 1,91%/năm; Đến năm 2040 khoảng 210.000 người, tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 1,55%/năm.
Đối với quy mô khách du lịch, đến năm 2030 đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách. Đến năm 2040, đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách.
Về quy mô đất xây dựng, đến năm 2040, nhu cầu đất xây dựng các khu chức năng khoảng 11.890 ha, trong đó đất phát triển du lịch, dịch vụ khoảng 1.896 ha.
Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà sẽ có 2 cửa ngõ, 2 hành lang, 4 vùng phát triển và 8 trọng điểm
Về định hướng phát triển không gian, Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà sẽ có 2 cửa ngõ, 2 hành lang, 4 vùng phát triển và 8 trọng điểm.
Theo đó, có 4 vùng gồm vùng 1 gắn với khu văn hóa sinh thái Lục Yên. Vùng 2 là khu trung tâm phía Tây kết nối cao tốc IC14 Nội Bài - Lào Cai. Vùng 3 là khu trung tâm cửa ngõ phía Nam. Vùng 4 là khu du lịch sinh thái đảo và quần đảo phía Đông.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định.
Hai cửa ngõ gồm khu vực xã Tân Nguyên nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC14, liên kết các khu trung tâm du lịch Liễu Đô - Vĩnh Lạc và Phúc Ninh - Mỹ Gia; Khu vực thị trấn Yên Bình nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua nút IC12, liên kết các trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và thị trấn Thác Bà.
Hai hành lang gồm Hành lang phát triển du lịch kết nối từ cửa ngõ Tân Nguyên chạy dọc phía Tây khu du lịch qua đô thị Cảm Ân, trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đông đến thị trấn Yên Bình; Hành lang sinh thái phát triển du lịch xanh, thân thiện, gắn liền với sự đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái.
Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà có 4 trọng điểm phát triển đô thị gắn với sự phát triển các đô thi, trong đó có 2 đô thị hiện hữu là thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình và 2 đô thị mới là đô thị Cảm Ân, đô thị Cảm Nhân; 4 trọng điểm phát triển du lịch bao gồm các trung tâm Liễu Đô - Vĩnh Lạc, trung tâm Phúc Ninh - Mỹ Gia, trung tâm Linh Sơn - Cao Biền, trung tâm Tân Hương - Đại Đồng…
Cần nêu bật thế mạnh của Khu du lịch Hồ Thác Bà
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.
Theo đó, tỉnh Yên Bái cần nêu bật thế mạnh của Khu du lịch Hồ Thác Bà, tô đậm những nét đặc biệt của Khu du lịch; Đánh giá thực trạng hạ tầng giao thông; Làm rõ phạm vi quy hoạch khu vực trọng tâm; Phân tích đánh giá việc thực hiện các quy hoạch, dự án xây dựng, đánh giá hiện trạng đất; Xác định rõ dự báo quy mô đất, phân bố quy hoạch sử dụng đất; Bổ sung định hướng phát triển hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng dịch vụ.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái cần lưu ý các nội dung liên quan đến tuyến đập và rừng; Xem xét quy mô dự báo về khách du lịch; Hạn chế sự trùng lặp trong sản phẩm du lịch; Rà soát để có sự thống nhất với quy hoạch tỉnh; Bổ sung quy hoạch sử dụng đất năm 2030; Xác định danh mục dự án ưu tiên, phân bổ nguồn vốn; Rà soát quy định của pháp luật; Cập nhật cơ sở pháp lý đầy đủ…
Toàn cảnh Hội nghị.
Thay mặt UBND tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho biết: Các đơn vị của tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Tỉnh Yên Bái sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung của đồ án, sớm đưa Khu du lịch Hồ Thác Bà thực sự trở thành trung tâm du lịch của tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Yên Bái cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện nội dung đồ án.
Theo đó, tỉnh cần đánh giá rõ hơn tiềm năng, thế mạnh phát triển của Khu du lịch Hồ Thác Bà; Bổ sung cơ sở pháp lý, đặc biệt là các quy hoạch có liên quan trực tiếp như quy hoạch tỉnh, quy hoạch giao thông, quy hoạch khoáng sản; Nên có mục đánh giá sự đồng bộ, thống nhất với quy hoạch cấp trên và quy hoạch liên quan; Cập nhật các quy hoạch đã được phê duyệt vào đồ án.
Đồng thời, tỉnh cần xác định đúng phạm vi ranh giới; rà soát lại hiện trạng về đất, khoáng sản, diện tích rừng; Đảm bảo tính pháp lý của bản đồ, số liệu hiện trạng sử dụng đất, rừng; Rà soát dự báo quy mô dân số, khách du lịch, dự báo về đất đai để đưa ra con số phù hợp và chính xác.
Bên cạnh đó, Yên Bái cần chỉ rõ các phân khu, nhất là về đất đai, kiến trúc, hệ thống giao thông kết nối của từng phân khu; có sự tính toán, đánh giá tác động rõ ràng về nội dung chuyển đổi đất, chuyển đổi rừng… Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện hồ sơ đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.