Ngày đăng 30/05/2023 | 12:00 AM

Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình

Lượt xem: 310  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 516/QĐ-BXD giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng thực hiện rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.



Bộ Xây dựng sẽ rà soát, sửa đổi quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD.


Theo quyết định, Bộ Xây dựng giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an và các đơn vị có liên quan tổ chức ngay nhiệm vụ: Rà soát toàn bộ các vướng mắc về an toàn cháy trong hoạt động xây dựng; Rà soát nội dung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình để xác định rõ các vướng mắc, nguyên nhân. Từ đó, đề xuất các nội dung cần sửa đổi trong QCVN 06:2022. Đề xuất hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho nhà và công trình.

Biên soạn sửa đổi QCVN 06:2022 đảm bảo các cơ sở khoa học, phù hợp điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, để giải quyết bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy, PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến công bố trong năm nay. Tiêu chuẩn này cũng không mang tính bắt buộc, mà khuyến nghị áp dụng với nhà xây mới hoặc cải tạo, đảm bảo công năng sử dụng trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy cơ bản, phù hợp với quy hoạch và hạ tầng đô thị.

Cụ thể, nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống và không quá một tầng hầm/nửa hầm cần có tối thiểu một lối ra thoát nạn; khuyến khích bố trí lối ra khẩn cấp từ các tầng, khoang ngăn cháy qua ban công, lô gia, cửa sổ thông thoáng, mái nhà, sân thượng để thoát sang nhà liền kề hoặc khu vực an toàn. Nếu sử dụng thang có độ cao từ 10m trở lên, các gia đình cần có lồng bảo vệ an toàn khi thoát nạn.

Tầng hầm diện tích hơn 300m2 phải có không ít hơn hai lối thoát nạn. Chiều rộng thông thủy của lối thoát nạn tối thiểu 0,8m, cao tối thiểu 1,9m. Lối thoát nạn tại tầng một cần thoát trực tiếp ra ngoài, trường hợp thoát qua gian phòng khác phải duy trì chiều rộng lối đi và có giải pháp ngăn cháy từ các vật dụng, thiết bị dễ cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (ôtô, xe máy...).

Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng một cần sử dụng loại bản lề. Nếu các gia đình lắp đặt cửa cuốn, cửa trượt thì cần có cơ cấu tự thu, mở nhanh, có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Bộ Xây dựng khuyến khích thiết kế lối ra phụ cho phép thoát người ra ngoài khi cửa cuốn không hoạt động. Các gia đình cần lưu ý cửa cuốn nếu không chịu nhiệt độ cao có thể bị biến dạng kể cả ray và cửa, dẫn đến không mở được.

Trường hợp không thể bố trí lối thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng một, các gia đình cần có khu vực lánh nạn tạm thời ở ban công hoặc lô gia được ngăn cách với gian phòng phía trong bằng một mảng tường đặc không cháy hoặc cháy yếu.

Nhà cao từ 10m trở lên cần bố trí thêm một lối lên sân thượng, lên mái qua thang cố định. Sân thượng phải bố trí thông thoáng, đảm bảo yêu cầu thoát người khi có sự cố, bố trí khóa cửa thì phải dễ mở từ bên trong.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh cũng khuyến cáo: Các gia đình nên có tối thiểu một bình chữa cháy, đặt ở nơi dễ thấy và thuận tiện cho việc sử dụng; khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc báo cháy cục bộ. Đồng thời, các hộ gia đình phải mở lối thoát hiểm thứ 2, để khi xảy ra hỏa hoạn, người dân có thể thoát nạn một cách nhanh chóng và an toàn.

Khánh Hòa/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 310  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207