Phát triển đô thị xanh, đô thị phát thải carbon thấp.
Nhằm góp phần hạn chế tình trạng này, sáng ngày 9.5, tại Phú Yên, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị phối hợp Viện FES - CHLB Đức tổ chức Hội thảo “Đánh giá khả năng thực hiện các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) về phát triển đô thị xanh, đô thị phát thải carbon thấp”. Đây là Hội thảo nằm trong Chuỗi các hoạt động hợp tác giữa AMC và FES liên quan đến thúc đẩy phát triển đô thị xanh và bền vững tại Việt Nam.
Tới tham dự Hội thảo, có Ông Huỳnh Lữ Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa; Ông Nguyễn Vũ Phương - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Ông Thomas Krause – Chuyên gia CIM- GIZ về Kinh tế tuần hoàn; Ông Florian Beranek, Chuyên gia cao cấp quốc tế – Xây dựng xanh và bền vững tại các đô thị Việt Nam và các ông, bà đại diện cho Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng cùng gần 40 đại biểu là cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn đến từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Đăk Lăk.
Mục tiêu của Hội thảo là chia sẻ thông tin và kiến thức chuyên môn, cũng như quan điểm xoay quanh chủ đề phát triển đô thị xanh, đô thị phát thải các-bon thấp; từ đó đưa ra định hướng, hướng dẫn, xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động cho các đô thị để thực hiện các cam kết tại COP26 của Việt Nam. Đây được xem là “chìa khóa” để phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam.
Tham gia Hội thảo, các đại biểu được nghe về cam kết của Việt Nam tại COP26 và những nội dung cập nhật tại COP27; khái quát về phát thải các-bon và chất thải đô thị; một số yêu cầu chính để thu hút đầu tư, tài chính vào phát triển nhà ở, cơ sở hạ tầng và đô thị xanh đối với các cơ quan quản lý đô thị địa phương; nhiệm vụ và hành động ưu tiên của Bộ Xây dựng trong phát triển đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tham luận tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị xanh, đô thị phát thải carbon thấp trên thế giới thông qua việc sử dụng các sản phẩm trong xây dựng nhà ở thân thiện với môi trường. Đối với Việt Nam, các đại biểu cho rằng: Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Á. Đến hết năm 2022, cả nước có 888 đô thị các loại, phân bố khá đồng đều trên phạm vi cả nước. Với tốc độ phát triển như hiện nay, việc tổ chức hội thảo nhằm đánh giá khả năng của các đô thị Việt Nam thực hiện cam kết tại COP 26 về phát triển đô thị xanh, đô thị phát thải carbon thấp là việc là hết sức cần thiết.
Bên cạnh mặt tích cực trong phát triển đô thị, Việt Nam cũng đang đối mặt với những hệ lụy từ sự phát triển nhanh, thiếu tầm nhìn, chưa đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Riêng với khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, hiện chất thải rắn phát sinh trong sinh hoạt gần 2,5 triệu tấn/năm.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng như các chuyên gia đều cho rằng: Để xây dựng và phát triển mô hình đô thị ít cacbon thành công hoàn toàn không đơn giản, vì hầu hết các yêu cầu về giảm phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được cân nhắc, lồng ghép trong quy hoạch phát triển đô thị hoặc việc thực hiện quy hoạch chưa tốt nên các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra ở một số nơi. Ngoài những nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26, địa phương cần khắc phục và hạn chế ảnh hưởng của việc ô nhiễm mỗi trường do phát thải khí cacbon gây ra; chủ động xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Song song với việc xây dựng chính sách, các chuyên gia còn khuyến nghị, các đô thị cũng cần xây dựng kịch bản carbon thấp phù hợp với khả năng và nhu cầu, trong đó, tập trung vào các khía cạnh về sự phát triển của dân số, quy mô hộ gia đình, quy mô nền kinh tế cấu trúc hệ thống giao thông và thông tin về các loại chất thải. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức về lối sống xanh; tăng cường mức cung cấp và mức tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ, sản phẩm carbon thấp…