Ngày đăng 13/04/2023 | 12:00 AM

Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước

Lượt xem: 285  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.


 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Trở thành thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày những nội dung chính trong báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội với 30 đơn vị hành chính cấp huyện. Về ranh giới, phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và Hòa Bình; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ. Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84km2.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đưa Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, liên kết vùng đô thị; sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị; thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn.

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội; nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây; xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Về tính chất, Hà Nội là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương; Thủ đô với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội; là nơi tập trung, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể; là Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, y tế, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đồng thời có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm kinh tế - giao dịch - du lịch và thương mại của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm liên kết vùng, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo và tạo hiệu ứng lan tỏa của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; phát triển thành phố theo mô hình chùm đô thị, là đô thị thông minh, đô thị xanh, sạch, đẹp; phát triển gắn kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; hài hòa giữa bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển; phân bổ dân cư, cơ cấu lao động và phân bổ sử dụng đất đai phù hợp phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực vùng Thủ đô và cả nước.

Tô đậm mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với đô thị lân cận

Theo đồ án, dự báo phát triển sơ bộ tại Hà Nội đến năm 2030 khoảng 11,410 - 11,950 triệu người. Đến năm 2035 khoảng 12,210 - 12,920 triệu người. Đến năm 2040 khoảng 13,030 - 13,760 triệu người. Đến năm 2045 khoảng 13,740 - 14,600 triệu người. Đến năm 2050 khoảng 14,350 - 15,560 triệu người.

 


Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

 

Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 110.000 - 120.000ha, đất xây dựng nông thôn khoảng 34.000 - 35.000ha. Đến năm 2035 đất xây dựng đô thị khoảng 116.000 - 120.000ha, đất xây dựng nông thôn khoảng 34.700 - 35.000ha. Đến năm 2040 đất xây dựng đô thị khoảng 125.000 - 128.000ha, đất xây dựng nông thôn khoảng 33.000 - 34.000ha. Đến năm 2045, đất xây dựng đô thị khoảng 130.000 - 132.000ha, đất xây dựng nông thôn khoảng 31.000 - 34.000ha. Đến năm 2050, đất xây dựng đô thị khoảng 130.000 - 135 000ha, đất xây dựng nông thôn khoảng 30.000 - 34.000ha.

Về định hướng phát triển không gian, đồ án đề xuất điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian toàn Thành phố đảm bảo gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, đặc biệt lưu ý mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội với đô thị lân cận được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ cấu trúc sinh thái tự nhiên khu vực nông thôn, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động; gắn với lộ trình chuyển đổi các huyện thành quận theo định hướng tổ chức đơn vị hành chính của Thủ đô.

Cụ thể, điều chỉnh định hướng phát triển hệ thống đô thị trong Thủ đô, xác định quy mô, chức năng, phạm vi của khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh; vị trí, quy mô, tính chất, chức năng, phạm vi và nguyên tắc phát triển của các đô thị khác. Điều chỉnh định hướng các vùng chức năng cho toàn thành phố (công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, sinh thái, bảo tồn...); định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn; định hướng phát triển các trục không gian, hành lang phát triển đô thị của thành phố. Nghiên cứu giải pháp cụ thể về định hướng trục sông Hồng, định hướng phát triển hai bên các tuyến vành đai 4, 5 và các trục hướng tâm đô thị.

Xác định phạm vi, giới hạn phát triển không gian của khu vực đô thị trung tâm, các đô thị thuộc thành phố; khu vực nội thị, ngoại thị, nông thôn; cac khu vực cần lập quy hoạch chung đô thị; quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung xây dựng xã và điểm dân cư nông thôn.

Định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm hướng tới gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho Thủ đô, tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Không gian cho khu vực đô thị trung tâm cần khai thác các trục cảnh quan sông hồ của Thủ đô gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng như giao thông thủy, điều tiết nước, không gian mở công cộng và tạo dựng bản sắc cảnh quan sông nước đặc trưng; tạo điều kiện cho công tác thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng hệ thống không gian mở, cây xanh, các quảng trường chức năng... gắn với các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng.

Nghiên cứu tiếp tục cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực phát triển mở rộng đô thị và sử dụng quỹ đất hiệu quả…

Tiếp tục hoàn thiện đồ án

Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.

Theo đó, Hà Nội cần bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; cập nhật Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phân tích, đánh giá rõ hơn về hạ tầng thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai; nên lựa chọn thời hạn quy hoạch có tính khả thi hơn; cần lấy đúng số liệu diện tích tự nhiên; rà soát chỉ tiêu dân số làm cơ sở xây dựng hạ tầng; bổ sung nội dung về quy hoạch Vùng Thủ đô; xác định cơ sở hạ tầng không gian văn hóa, đặc biệt là không gian mở; phát triển hệ thống cây xanh, công viên; xem xét cách gọi tên của từng di sản; quy mô, diện tích đất tự nhiên; làm rõ không gian đô thị, khu vực nội thị; quan tâm đến khu vực nông thôn; quan tâm đến kết nối giao thông, nguồn nước…

Thay mặt UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị của thành phố và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định. Thành phố sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung điều chỉnh.

 


Toàn cảnh Hội nghị.

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao đồ án thuyết minh. UBND Thành phố Hà Nội đã có nghiên cứu, tham vấn ý kiến, trình các cơ quan chức năng. Để nội dung được hoàn thiện, Thứ trưởng đề nghị thành phố cần chỉ ra được những điểm khác biệt so với quy hoạch lần trước; phải kế thừa nội dung để điều chỉnh phù hợp; đánh giá thực trạng rõ ràng để từ đó định hướng điều chỉnh. Theo đó, cần đánh giá chỉ tiêu dự báo trong quy hoạch, đất đai, dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mô hình cấu trúc đô thị, định hướng di dân, hệ thống đô thị, danh mục dự án đầu tư.

Đồng thời, thành phố cần nêu rõ các yêu cầu mới được đặt ra trong đồ án; thường xuyên cập nhật đầy đủ căn cứ pháp lý; chỉ ra những nội dung phù hợp để cụ thể hóa trong đồ án; làm rõ mối quan hệ, tương tác của Hà Nội với các địa phương xung quanh, các vùng lân cận và với quốc tế; nghiên cứu lại hệ thống đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển đô thị; diện tích tự nhiên cập nhật theo số liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố; thống nhất nội dung 2 quy hoạch…

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng đề xuất thành phố báo cáo Chính phủ thời hạn quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội nên là đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065. Thành phố cần xác định rõ hai mốc thời gian trên để tư vấn thực hiện có hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện hồ sơ đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Yến Mai/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 285  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207