Ngày đăng 12/04/2023 | 12:00 AM

Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung, làm rõ về thời hạn sử dụng và phá dỡ nhà chung cư

Lượt xem: 345  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Mới đây, sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng cũng như việc xử lý sau khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng thay vì quy định sở hữu nhà chung cư như các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước đó.


 

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ bổ sung, làm rõ về thời hạn sử dụng cũng như việc xử lý sau khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng.

 

Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp thu ý kiến của Quốc hội là không quy định về việc sở hữu nhà chung cư có thời hạn vì đây là vấn đề có tác động lớn đến xã hội và còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đó, kết cấu dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ thay đổi theo hướng các nội dung quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư cũng như xử lý sau khi nhà chung cư hết thời hạn và vấn đề phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư được đưa xuống Chương V (Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư) từ Điều 60 đến Điều 72 của dự thảo Luật.

Trước đó, khi trình Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất 02 Phương án (01 phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn như Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 01 Phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo cụ thể các cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng phương án. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn (tại Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 10/3/2023).

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đánh giá việc đưa ra phương án này là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau về tính hợp lý, khả thi của phương án này nên việc bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời người dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân là cần thiết.

Như vậy, nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, tới đây dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được bổ sung, làm rõ hơn các nội dung về thời hạn sử dụng (tại Điều 60 của dự thảo), các trường hợp phá dỡ nhà chung cư (tại Điều 61 của dự thảo), làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (từ Điều 62 đến Điều 72 của dự thảo). Việc bổ sung này sẽ làm cơ sở xử lý, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay.

Trong các kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hà Khánh/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 345  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207