Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của lãnh đạo 32 Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các tỉnh thành phía Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo “Tổng kết việc thi hành pháp luật về quy hoạch theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng năm 2014 và đề xuất các chính sách trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn”, sáng 3/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Quy hoạch đô thị là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về rà soát, hoàn thiện thể chế, phát triển đô thị gắn với phát triển nông thôn. Qua đó, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch đô thị và nông thôn; phân tích những hạn chế, vướng mắc, làm cơ sở đề xuất các chính sách trong hồ sơ đề xuất Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn một cách khoa học, đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, trong 12 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 07 năm thi hành Luật Xây dựng (Chương II), hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống của người dân, đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Đây là Hội thảo rất quan trọng nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn về quy hoạch, xây dựng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế pháp luật phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng là một trong những cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư, phát triển tại khu vực đô thị, nông thôn, khu chức năng”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức sáng 3/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, hoạt động quản lý đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng tại các thành phố, thị xã, thị trấn và các khu vực nông thôn dần đi vào nề nếp. Không gian kiến trúc, cảnh quan ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, sinh hoạt và làm việc của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nội dung các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan mới được ban hành. Đồng thời phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến tháng 12/2021 cả nước có 869 đô thị, bao gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch chung đô thị đạt 100%; tỷ lệ lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 75 - 80% và khoảng 60% tại các đô thị trên cả nước (so với đất xây dựng đô thị); quy hoạch chi tiết đô thị trên cả nước được lập, phê duyệt đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.
Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới toàn quốc đạt gần 100% (99,8%). Về quy hoạch xây dựng các khu chức năng, đến nay đã có 17/18 khu kinh tế ven biển; 17/26 khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. Các khu chức năng khác như khu du lịch, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu giáo dục - đào tạo... sau khi được thành lập đều được tổ chức lập quy hoạch xây dựng theo quy định.
Những bất cập chồng chéo
Đánh giá về những bất cập của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng (Chương II), ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Trong quản lý, thực thi Luật Quy hoạch đô thị còn lúng túng từ cách vận dụng, cách hiểu, lúng túng trong giải trình rất nhiều, áp lực rất lớn. Qua đây thấy có nhiều điểm cần rút kinh nghiệm.
“Trước hết là công tác quy hoạch vùng, nếu đơn thuần một tỉnh hay thành phố mà đơn phương tự quy hoạch hay phát triển trong phạm vi của mình là rất khó. Nếu áp chỉ tiêu dân số nhất định vào thì không thể quản lý được vì nhu cầu người dân đi lại, làm việc, giao thương kinh tế rất nhiều.
Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh đang dự kiến điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2060 với tầm nhìn 16 triệu dân. Nhưng thực tế, thành phố rất muốn xây dựng nhiều khu chức năng, đưa ra nhiều hoạt động thì không thể giới hạn được dân số. Cho nên, tôi mong muốn phát triển đồng đều, để tạo sức hút cùng chia sẻ nguồn lực, phân bổ hoạt động đồng cấp trên diện rộng. Nên sẽ giải quyết được bài toán ùn ứ, giải bài toán về phân bổ dân cư, nếu một địa phương quy hoạch thì rất khó”, ông Nhã nêu quan điểm.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng quan điểm, ông Đinh Thế Vinh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho biết, liên quan đến công tác quy hoạch khi cơ quan chức năng thanh tra kiểm tra cũng phải giải trình rất khó khăn.
Trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc nhất là sự xung đột giữa các Luật với nhau, nên lồng ghép giữa Luật Đất đai với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư… Ngoài ra, còn vướng về hủy bỏ quy hoạch vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Theo tổng kết của Bộ Xây dựng về các nội dung bất cập, hạn chế, mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Đối tượng lập quy hoạch; Phạm vi, quy mô lập quy hoạch; Về trách nhiệm lập quy hoạch; Kinh phí lập quy hoạch; Về lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; Về thẩm định, phê duyệt quy hoạch; Về việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch...
Đơn cử việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, quy định còn chưa rõ đối tượng lấy ý kiến, trách nhiệm lấy ý kiến (của UBND cấp huyện về quy hoạch khi thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thuộc cấp tỉnh...), trình tự lấy ý kiến (đối với các đồ án quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh thì việc thẩm định, báo cáo Hội đồng nhân dân được thực hiện trước hay sau ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng); nội dung Hội đồng nhân dân có ý kiến (thông qua hay chỉ đạo) đối với nhiệm vụ, đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn...
Hoặc phạm vi, quy mô lập quy hoạch thì pháp luật hiện hành đã quy định việc lập quy hoạch chung cho các đô thị mới, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng. Tuy nhiên, chưa quy định rõ về phạm vi, quy mô lập quy hoạch chung đô thị mới, đô thị mở rộng; quy hoạch chung xây dựng xã đối với trường hợp các xã thuộc thành phố, thị xã đã có một phần diện tích được định hướng trở thành khu vực phát triển đô thị trong tương lai, cũng như cơ sở xác định phạm vi, quy mô quy hoạch phân khu.
Ngoài ra, việc xác định phạm vi, quy mô phân khu để lập quy hoạch tại đô thị, tại khu chức năng chưa có quy định rõ ràng cũng là một khó khăn trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn và khu chức năng. Nhiều trường hợp trong thực tiễn phạm vi lập quy hoạch phân khu trùng với phạm vi lập quy hoạch chi tiết, phạm vi lập dự án đầu tư xây dựng...
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao các ý kiến góp ý của lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc các tỉnh thành phía Nam và các chuyên gia.
Thứ trưởng thẳng thắn thừa nhận công tác quy hoạch đang chậm đổi mới, tiến độ triển khai lập các quy hoạch chậm, chất lượng chưa tốt. Thứ trưởng mong muốn khi xây dựng Luật mới giúp quy hoạch lập phải nhanh và chất lượng hơn. Muốn nhanh hơn, quy hoạch lập xong phải kêu gọi được đầu tư, phải có ngay công trình, chất lượng thì quy hoạch ít điều chỉnh hơn...