Ngày đăng 21/02/2023 | 12:00 AM

Cần khơi thông chính sách tài chính về đất đai và giá đất

Lượt xem: 341  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngày 20/2, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội, các giai tầng, lĩnh vực. Nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất thì những vấn đề khác cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Khơi thông chính sách tài chính

Ngày 20/2, tại cuộc Toạ đàm góp ý về các quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu nêu ý kiến xoay quanh nội dung tài chính về đất đai và giá đất. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), để có thông tin đầu vào làm cơ sở khuyến cáo định giá đất sát thực tế nhất, cần cân nhắc bổ sung quyền cho tổ chức tư vấn xác định giá đất được tiếp cận với thông tin định giá đất từ các cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức này có trách nhiệm bảo đảm kết quả tư vấn độc lập, khách quan, trung thực theo phương pháp được tổ chức này lựa chọn.

 


Bảng giá đất cần có sự điều chỉnh để quá trình thực thi thuận lợi (ảnh: Như Ý).

 

Cùng quan điểm, PGS. TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông cho rằng, quy định về các phương pháp xác định giá đất cụ thể như so sánh trực tiếp, theo hệ số, hay phương pháp thu nhập, thặng dư…còn chưa thực sự rõ ràng và hợp lý, dẫn đến thực trạng các địa phương tùy ý lựa chọn phương pháp định giá đất. Chính vì vậy, theo ông Ngô Trí Long, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với giá thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập thực hiện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội. Nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất thì những vấn đề khác cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Theo ông Vũ Hồng Thanh, vấn đề khó nhất, phức tạp nhất là chưa có hướng mở để đưa ra phương pháp xác định giá đất cụ thể trong các trường hợp để giải quyết tất cả vướng mắc, bất cập. Hay về bảng giá đất luôn có những biến động, nên cần có sự điều chỉnh để quá trình thực thi thuận lợi. Về hội đồng thẩm định giá đất, ông Thanh lưu ý, phải đảm bảo tính độc lập, chuyên môn nghiệp vụ của hội đồng thẩm định giá đất, cơ quan định giá, cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm trung thực, khách quan.

Tại tọa đàm, các đại biểu cơ bản đồng tình với bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Các đại biểu đồng thời đề nghị Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn định giá tài sản. Mở rộng áp dụng biện pháp đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình định giá đất ở thường xuyên, chuyên nghiệp, thanh tra đột xuất trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm.

Quy định mập mờ, dễ bị “lợi ích nhóm” lợi dụng

Chiều 20/2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cùng các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất là quy định rất quan trọng. Bởi trong quá trình thực hiện thời gian qua, có không ít ý kiến phản ánh việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có dấu hiệu phục vụ cho “lợi ích nhóm”. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo hiện nay chưa thực sự rõ ràng, rất dễ bị lợi dụng. Dẫn căn cứ để cho phép điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định trong dự thảo như “do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế- xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện”, hay “do phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất”, ông Đường nhận xét: “Quá chung chung, tù mù, dễ bị vận dụng, lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho “lợi ích nhóm””.

Do đó, ông Đường đề nghị nên quy định nguyên tắc, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải do Trung ương quyết định. Tương tự, điều chỉnh ở cấp huyện phải do cấp tỉnh quyết. “Không nên quy định cấp nào có thẩm quyền quy hoạch, thì cấp đó có quyền quyết định thay đổi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như dự thảo”, GS Trần Ngọc Đường.

 


GS Trần Ngọc Đường: “Không nên quy định cấp nào có thẩm quyền quy hoạch, thì cấp đó có quyền quyết định thay đổi điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như dự thảo”.

 

Trong khi đó, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc lấy ý kiến công dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện rất quan trọng, nhằm phát huy quyền dân chủ, làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở. Điều này cũng liên quan mật thiết đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi thực hiện quyền công dân tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương, cơ sở. Vì thế cần bổ sung các quy định như công khai bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng; tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố với thành phần đại diện hộ gia đình, bảo đảm ít nhất phải có trên 50% số gia đình cử đại diện đến họp. Riêng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thu hồi đất, ông Thường nhấn mạnh, đây luôn là vấn đề nóng, xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người. Do vậy các quy định cần bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Mức bồi thường cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi. Tuy nhiên, thế nào là giá thị trường, ông Thường đề nghị cần làm rõ, quy định cụ thể hơn.

Theo Văn Kiên - Luân Dũng/Tienphong.vn
Lượt xem: 341  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207