Ngày 15/2/2023, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc tổ chức Hội nghị hợp tác song phương năm 2023 Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (gọi tắt là Dự án VKC). Tham dự Hội nghị có đại diện phía Hàn quốc và Việt Nam. Phía Hàn quốc có đại diện Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS); Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH); Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA). Về phía Việt Nam có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng như: Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Cục Phát triển đô thị, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quy hoạch kiến trúc, các chuyên gia và một số đơn vị liên quan.
Toàn cảnh buổi họp
Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 38/QĐ-BXD Phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”. Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam – Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng. Dự án VKC được triển khai thực hiện sẽ góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án 950 của Chính phủ về “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị được Bộ Xây dựng giao là Chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với Nhà tài trợ nước ngoài giám sát tiến độ và chất lượng của Dự án; là đơn vị điều phối Dự án; trực tiếp thực hiện, khai thác và sử dụng kết quả đầu ra các Hợp phần 3 và 4 về Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng) và Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.
Năm 2022, cả 4 hợp phần chính của Dự án là: Xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng); Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh đều được tích cực triển khai. Tiêu biểu là tổ chức thành công Lễ triển khai Dự án chính thức vào ngày 11/10/2022, hỗ trợ KAIA để triển khai hoạt động B2B. Qua hoạt động kết nối doanh nghiệp, có 30 doanh nghiệp Hàn quốc mong muốn được tham gia vào việc xúc tiến xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Trong năm qua, Hàn Quốc cũng tổ chức và có 52 cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp ai bên và tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ. Năm 2022, Dự án đã thiết lập và vận hành phòng họp thông minh tại Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng. KICT &AMC đã phối hợp xây dựng và tổ chức thành công chương trình học tập, chia sẻ kinh nghiệm về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tại Hàn Quốc từ ngày 16/10 đến ngày 22/10/2022 trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án.
Ngay sau khi Văn kiện Dự án được phê duyệt, nhiều nội dung nghiên cứu đã được các đơn vị phía Hàn Quốc triển khai thực hiện, chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển đô thị thông minh, so sánh với bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam, từ đó bước đầu đưa ra một số khuyến nghị bộ chỉ số cho quy trình công nhận đô thị thông minh. Các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong việc lồng ghép những giải pháp công nghệ, hướng tiếp cận mới để thí điểm vào một khu vực Quy hoạch phân khu đã được đặt ra và bước đầu đã lựa chọn được địa bàn để thí điểm tại Việt Nam. Trên cơ sở các định hướng khuyến nghị về việc hoàn thiện pháp lý, thí điểm vào quy hoạch đô thị của Việt Nam, các mô hình, giải pháp công nghệ cụ thể sẽ được trình diễn tại Trung tâm hợp tác Việt-Hàn (VKC). Mô hình thiết kế Trung tâm VKC bước đã được các chuyên gia Hàn Quốc phối hợp với phía Việt Nam để đưa ra ý tưởng cũng như từng bước hoàn thiện thiết kế để triển khai đầu tư lắp đặt. Các kết quả nghiên cứu sẽ được tích hợp vào nội dung chương trình và tài liệu đào tạo về đô thị thông minh, triển khai đào tạo bồi dưỡng thí điểm trong năm 2023 cho các đơn vị, địa phương tại Việt Nam để từng bước hiện thực hóa Đề án 950 của Chính phủ về phát triển đô thị Việt Nam thông minh bền vững.
Năm 2023, các hoạt động thuộc Dự án sẽ được thực hiện nhằm cho ra những kết quả thiết thực. Dự án sẽ tiến hành tổ chức một số sự kiện lớn để các doanh nghiệp có thể tiến hành hợp tác chặt chẽ hơn. Hai bên cũng sẽ thực hiện các hợp phần về đào tạo, tiến hành các hội thảo về đô thị thông minh tại Việt Nam đảm bảo được mục tiêu mà dự án đặt ra.
TS. Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc AMC đánh giá, trung tâm VKC sẽ là nơi giao lưu tiếp cận các tri thức và giải pháp công nghệ, xây dựng những chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý xây dựng & đô thị tại địa phương …
Trao đổi bên lề hội nghị, TS. Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Giám đốc Dự án VKC cho rằng: Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay, cách tiếp cận về đô thị thông minh cho phù hợp với bối cảnh và thể chế của Việt Nam đang là một vấn đề khó khăn chung của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đang nghiên cứu để đưa ra cách tiếp cận phù hợp nhằm xây dựng chương trình đào tạo nâng cao năng lực về phát triển đô thị thông minh phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Theo tiến độ dự án có nội dung hướng dẫn chính sách về phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, quy hoạch tổng thể đô thị thông minh tại Việt Nam, đặc biệt là việc thành lập Trung tâm hợp tác Việt Hàn về đô thị thông minh - Đây sẽ là nơi giao lưu tiếp cận các tri thức và giải pháp công nghệ, xây dựng những chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý xây dựng & đô thị tại địa phương nắm bắt được chính sách và giải pháp cụ thể phù hợp thực trạng phát triển đô thị Việt Nam.
Việc Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho lĩnh vực phát triển đô thị thông minh thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật này thực sự cần thiết và hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang ở bước đầu xây dựng đô thị thông minh. Dự án sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc một cách bền vững thông qua: (i) xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và thí điểm áp dụng quy trình công nhận đô thị thông minh; (ii) thực hiện thí điểm thành công quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; (iii) tăng cường năng lực, trao đổi và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh để tiến tới hình thành được chuỗi đô thị thông minh trên phạm vi cả nước vào năm 2030. Bên cạnh đó, kết quả của Dự án sẽ mang lại những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng trong việc triển khai Đề án 950 “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đọan 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”./.