Theo đó, hệ thống quy chuẩn (QC), tiêu chuẩn (TC) kỹ thuật xây dựng được hoàn thiện, đổi mới theo hướng đồng bộ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững…
Ảnh minh họa.
Hoàn thành triển khai Đề án 198
Đề án 198 có mục tiêu hoàn thiện hệ thống TC, QC kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.
Đề án 198 được thực hiện trong các năm 2018 - 2021. Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án gặp không ít khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến bị chậm 1 năm. Đáng mừng là với sự quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Đề án (do Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Trưởng ban, lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên) đã quyết tâm, đôn đốc các Bộ, ngành liên quan hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính.
Theo đánh của Ban chỉ đạo, Đề án đã được triển khai tích cực, có tính lan toả, đổi mới hoàn thiện hệ thống QC, TC kỹ thuật xây dựng, đáp ứng tính đồng bộ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Kết quả của Đề án đã có tác động lớn, mang lại hiệu quả tích cực đối với xã hội, trực tiếp nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo an toàn, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong các hoạt động xây dựng...
Kết quả nổi bật đạt được của Đề án 198
Ở nhiệm vụ thứ nhất, Đề án đã hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch và ban hành danh mục Bộ QC kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) ngành Xây dựng gồm 12 QC có tính bao quát, đảm bảo tinh gọn, hội nhập và tăng cường cho công tác quản lý nhà nước về an toàn xây dựng, đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tiết kiệm năng lượng; giảm thiểu phát thải, phù hợp với sự phát triển công nghệ xây dựng trong nước và quốc tế.
Đối với nhiệm vụ thứ hai, Đề án đã tổ chức rà soát, biên soạn và ban hành được 6/12 QCKTQG theo quy hoạch QC mới. 6/12 QCKTQG còn lại đã được biên soạn, đang lấy ý kiến rộng rãi và hoàn thiện các quy trình để sớm ban hành trong năm 2023.
Đối với nhiệm vụ thứ ba, Đề án đã hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch, định hướng đổi mới hệ thống TCQG cốt lõi ngành Xây dựng dựa theo các TC châu Âu, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, tiên tiến trong tính toán thiết kế, có sự thay đổi lớn trong tư duy biên soạn, cách thức sử dụng.
Trên cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ý kiến thống nhất của Bộ KH&CN, các Bộ, ngành liên quan, ngày 12/5/2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 390/QĐ-BXD phê duyệt Định hướng và Kế hoạch biên soạn, hoàn thiện hệ thống TCQG ngành Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, cùng danh mục 128 TCQG cốt lõi để biên soạn từ năm 2021 đến năm 2025.
Ở nhiệm vụ thứ tư, Đề án đã hoàn thành việc giao các đơn vị, tổ chức nghiên cứu soát xét, biên soạn các TCQG cốt lõi ngành Xây dựng theo định hướng mới được phê duyệt. Trong đó, hệ thống TC do Bộ Xây dựng biên soạn tập trung vào lĩnh vực khảo sát, thiết kế kết cấu, địa kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử của vật liệu có liên quan theo hệ thống TC châu Âu, phù hợp với điều kiện Việt Nam, áp dụng song hành với hệ thống TC hiện có trong thời gian 5 năm, sau đó sẽ tổ chức đánh giá và thống nhất áp dụng hệ thống TC mới.
Đồng thời, các Bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục hoàn thành việc sắp xếp, quy hoạch và định hướng hệ thống TCQG về xây dựng, phù hợp đặc thù và kế thừa hệ thống TC sẵn có.
Việc chuyển đổi và hoàn thiện biên soạn các TC theo định hướng mới đòi hỏi công sức lớn và quá trình lâu dài, do vậy Ban chỉ đạo Đề án 198 yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện như những nhiệm vụ thường xuyên.
Đối với nhiệm vụ thứ năm, Đề án đã hoàn thành, vận hành Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: https://tieuchuanxaydung.vsqi.gov.vn phục vụ quản lý, tra cứu, khai thác cơ sở dữ liệu về TC, QC kỹ thuật xây dựng; hỗ trợ tuyên truyền, tìm kiếm, tiếp cận thông tin, góp phần đổi mới công tác thông tin và nâng cao nhận thức, hiệu quả sử dụng và quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Đối với nhiệm vụ thứ sáu, Đề án đã hoàn thành Khung chương trình đào tạo theo định hướng mới, làm cơ sở biên soạn tài liệu giảng dạy trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng, trong đó có lồng ghép các nội dung đổi mới của các TC, QC kỹ thuật xây dựng.
Nhiệm vụ thứ bảy, từ kết quả đạt được, Đề án đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực quản lý và áp dụng TC quốc tế, TC khu vực, TC nước ngoài, TC cơ sở, cũng như sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tránh trùng lắp, chồng chéo trong biên soạn TCQG giữa các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng và Bộ KH&CN.
Đặc biệt, một số kết quả của nhiệm vụ của Đề án đã được thể chế hóa tại Điều 8 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về áp dụng TC quốc tế, TC khu vực, TC nước ngoài, TC cơ sở, vật liệu công nghệ mới trong hoạt động xây dựng.
Những đề xuất, kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo Đề án nhận thấy vẫn còn “khoảng trống” trong quy định của pháp luật đối với việc quản lý hệ thống TC, QC kỹ thuật xây dựng. Ở một số lĩnh vực, có sự chồng chéo, giao thoa giữa các Bộ ngành, không có sự chỉ đạo thống nhất, dẫn dắt tổng thể nên các TC rời rạc, mất tính hệ thống, không phủ kín các vấn đề cần quản lý bằng hệ thống TCQG. Do vậy, Ban chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, đề xuất Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp cùng các bộ chuyên ngành quản lý công trình xây dựng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật TC và QC kỹ thuật theo hướng nâng cao vai trò, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành Xây dựng trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn, thẩm định nội dung, công bố TC thuộc lĩnh vực quản lý.
Bộ KH&CN có trách nhiệm rà soát, thẩm định sự phù hợp với hệ thống, tránh trùng lắp và cấp mã số TC; Xác định rõ vai trò, tính pháp lý trong việc quản lý, tổ chức xây dựng và công bố các TC cơ sở; Tạo hành lang, khuôn khổ pháp lý thông thoáng, đổi mới cơ chế chính sách về công tác biên soạn, thẩm định, ban hành QCKTQG và công bố TCQG phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ: Xây dựng, NN&PTNT, Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành 06 QCKTQG còn lại trong năm 2023. Các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh danh mục kịp thời, biên soạn, ban hành QCKTQG, QC địa phương (nếu có) có liên quan lĩnh vực xây dựng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo lộ trình đến năm 2030.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, biên soạn TC, hoàn thiện hệ thống TCQG theo định hướng mới, theo kế hoạch, công bố và áp dụng đồng bộ đến năm 2030; Chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động phê duyệt định hướng, danh mục biên soạn TC và kế hoạch thực hiện đến năm 2030, sớm ban hành đồng bộ các TC, phù hợp với định hướng và kế thừa hệ thống TC sẵn có.
Chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sự tuân thủ quy định của QCKTQG, nâng cao hiệu quả áp dụng các TC (gồm TCQG, TC nước ngoài, TC quốc tế, TC khu vực, TC cơ sở) trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, hướng dẫn các cơ sở đào tạo chuyên ngành Xây dựng, biên soạn giáo trình, bài giảng phù hợp với Khung chương trình đào tạo theo định hướng, cập nhật các TC, QC mới đã được ban hành.
Thực hiện Đề án 198, bộ QCKTQG lĩnh vực xây dựng sau khi được sắp xếp, tích hợp và quy hoạch lại từ 29 QC trước đây xuống còn 12 QC. Đến nay, đã ban hành 5/9 QCKTQG (do Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn). 4 QCKTQG còn lại, Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo, đang được lấy ý kiến, dự kiến sớm ban hành trong quý I và II/2023.