Ngày đăng 03/01/2023 | 12:00 AM

Dấu ấn ngành Xây dựng qua các sự kiện nổi bật năm 2022

Lượt xem: 753  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động, triển khai 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với 80 nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ đơn vị chủ trì, tiến độ, thời gian hoàn thành… Theo đó, ngành Xây dựng tiếp tục tập trung thực hiện 3 khâu đột phá.

Thứ nhất là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Thứ hai là tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị (PTĐT). Thứ ba, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản (BĐS)…

Với những nỗ lực không ngừng, ngành Xây dựng đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ năm 2022. Cùng Báo điện tử Xây dựng nhìn lại dấu ấn ngành Xây dựng năm 2022 qua một số sự kiện, thành tựu nổi bật.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị được Quốc hội đánh giá cao trong lần đầu trả lời chất vấn

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 3 và 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã thực hiện trách nhiệm giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm của ngành Xây dựng như nhà ở, thị trường BĐS, quy hoạch xây dựng, PTĐT, quản lý hoạt động xây dựng...

 


Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 4.

 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực xây dựng, đã có 61 đại biểu đăng ký, 36 đại biểu đã chất vấn và 01 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trong lần đầu tiên của nhiệm kỳ trả lời chất vấn. “Bộ trưởng đã có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất được một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định.

Tổ chức thành công Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022

Bộ Xây dựng tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

 


Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022.

 

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và PTĐT. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể, gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện.

Nhằm phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thành công Hội nghị đô thị toàn quốc. Hội nghị gồm 3 hội thảo chuyên đề và 1 phiên toàn thể. Phiên toàn thể do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Thời gian tới, trên tinh thần kết hợp nội lực với ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, việc quan tâm hoạch định chính sách, giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, PTĐT có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương cùng tháo gỡ những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và PTĐT, tạo động lực phát triển hệ thống đô thị và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững đô thị Việt Nam…

Tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật

Năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục xác định tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng.

Ngày 21/9, tại phiên họp chương trình chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.

Với việc sửa đổi, bổ sung bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy trình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án và các báo cáo phân loại đô thị…, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị.

Bên cạnh Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 148/NQ–CP, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 04 Nghị định, 05 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 06 Thông tư.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã lập hồ sơ đề nghị, được Chính phủ thông qua chính sách, báo cáo Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 xem xét, cho ý kiến đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đến nay, Bộ đã và đang tích cực hoàn thiện dự thảo, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến cho 2 dự thảo luật này.

Bộ đồng thời lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Hồ sơ hiện đã được hoàn thiện theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ để trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh…

Linh hoạt giải pháp quản lý, phát triển thị trường BĐS

Năm 2022 là một năm đầy biến động đối với thị trường BĐS. Đầu năm, thị trường “hưng phấn”, để ngăn chặn nguy cơ "bong bóng", Bộ Xây dựng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, qua đó kiến nghị một số giải pháp liên quan đến sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu giá; Tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương…

 


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh,bền vững hồi tháng 7/2022.

 

Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ thành lập Tổ công tác đi kiểm tra 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Bộ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ…

Từ giữa đến cuối năm, thị trường BĐS chuyển sang trạng thái trầm lắng, tại Hội nghị phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì (hồi tháng 7) và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (hồi tháng 11), Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất nhiều giải pháp nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS. Trong đó, Bộ trưởng đề xuất tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật…

Sau thành công của Hội nghị, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg, ngày 17/11/2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị được giao làm Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác đã tổ chức họp, làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số doanh nghiệp để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS trên địa bàn.

 


Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng xem xét Đề án xây dựng hơn 1,8 triệu căn NƠXH…

 

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã khẩn trương nghiên cứu dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng hơn 1,8 triệu căn NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong giai đoạn 2021 - 2030…

Tích cực gỡ vướng trong hoạt động đầu tư xây dựng

Năm 2022 cũng là một năm nhiều thách thức trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, do đồng thời chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và bởi giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) chủ yếu tăng đột biến, khó lường…

 


Bộ Xây dựng tích cực gỡ vướng cho hoạt động đầu tư xây dựng.

 

Trước tình hình đó, song song công tác hoàn thiện thể chế, rà soát các quy định pháp luật để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, Bộ Xây dựng chủ động tổ chức Hội nghị “Trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc” (vào tháng 3), nhằm tìm giải pháp gỡ vướng trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Bộ kịp thời thành lập các tổ công tác, đoàn làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương; Tổ chức các hội thảo, tập huấn cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; Ban hành các văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp liên quan đến xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của địa phương...

Bước đầu, các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực. Một số điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư xây dựng từng bước được tháo gỡ. Thực hiện hướng dẫn của Bộ Xây dựng, các địa phương chủ động việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, sát với thị trường, cơ bản đáp ứng yêu cầu của quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý chi phí hợp đồng...

Bộ Xây dựng cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai và cơ bản hoàn các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Hoàn thành Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng; Ban hành Quy chế quản lý, vận hành, cung cấp thông tin, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng (tại Quyết định số 737/QĐ-BXD ngày 05/9/2022)...

Tổ chức thành công Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2022

Đây là lần thứ hai, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam. Thông qua chuỗi sự kiện tại các Tuần lễ công trình xanh Việt Nam, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành cùng các bên liên quan cùng phân tích thực trạng, cơ hội, rào cản từ đó đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

 


Bộ Xây dựng lần thứ hai tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam.

 

Đây cũng là một trong những hành động của ngành Xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

Trước đó, ngày 12/5/2022, Quyết định số 385/QĐ-BXD, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26”…

Sau thành công của Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2022, Bộ Xây dựng dự kiến phát triển Tuần lễ công trình xanh Việt Nam thành hoạt động thường niên, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm khác

Cũng trong năm 2022, Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiến độ các quy hoạch ngành quốc gia được Chính phủ giao như: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thực hiện các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng theo tiến độ chung.

Trong công tác cải cách hành chính, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động xây dựng.

Theo đó, Bộ đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 03 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP; Cập nhật, công khai 486/518 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đạt tỷ lệ 94%) trên Cơ sở dữ liệu và cổng tham vấn quy định kinh doanh; Hoàn thành tích hợp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được kết nối). Thông qua cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Bộ tiếp nhận, xử lý 23.203 hồ sơ thủ tục hành chính…

Tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index) năm 2021, do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hồi tháng 5/2022, Bộ Xây dựng xếp hạng 8 trong số các bộ, ngành cơ quan Trung ương…

Bộ cũng đã hoàn thành “Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”. Kết quả của Đề án đã có tác động lớn đối với xã hội, mang lại hiệu quả tích cực và trực tiếp nâng cao năng suất chất lượng trong hoạt động xây dựng…

Năm 2022: Ngành Xây dựng ước đạt tốc độ tăng trưởng 8 - 8,5%

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2020, ngành Xây dựng ước đạt tốc độ tăng trưởng 8 - 8,5%.

Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021.

Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%.

Tỷ lệ lập quy hoạch phân khu đối với 22 đô thị loại I và 02 đô thị loại đặc biệt đạt khoảng 79%.

Tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết bình quân cả nước đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021.

Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 94,2%, tăng 2,2% so với năm 2021. Tổng công suất các nhà máy nước đô thị và vùng nông thôn lân cận đã đạt khoảng 12,6 triệu m3/ngđ với tổng số hơn 750 nhà máy nước sạch. Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 16,5%, giảm 0,7% so với năm 2021.

Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt khoảng 15%.

Giá trị sản xuất xi măng ước đạt sản lượng sản xuất đạt 85,36 triệu tấn, giảm 9,92% so với năm 2021, tiêu thụ 87,31 triệu tấn, giảm 9,81% so với năm 2021.

baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 753  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207