Ngày đăng 30/12/2022 | 12:00 AM

Những định hướng lớn trong Quy hoạch tổng thể quốc gia

Lượt xem: 279  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.

 


Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 diễn ra vào đầu tháng 1/2023 tới đây- Ảnh minh họa.

 

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 tổ chức vào đầu tháng 1/2023 tới đây.

Đây là lần đầu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên căn cứ Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.

Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện đúng quy trình theo quy định; đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước... Đã triển khai xây dựng 41 hợp phần quy hoạch; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội nghị tham vấn các tổ chức quốc tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia; tiếp thuý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, một số ủy ban của Quốc hội, ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, những nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu; tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ; phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia;…

Phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực

Theo đó, về định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Quy hoạch tổng thể xác định tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu... Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ mới. Phát triển các ngành công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên.

Bố trí không gian công nghiệp theo hướng gắn với hệ thống đô thị, trung tâm dịch vụ để hình thành các hành lang kinh tế, các vùng động lực. Mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây của đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, vùng trung du để giảm sức ép sử dụng quỹ đất tại đồng bằng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Xây dựng các trung tâm thương mại, tài chính... mang tầm khu vực và thế giới tại các thành phố lớn, gắn với phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế. Hình thành các trung tâm logistics quy mô, hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế lớn. Phát triển các trung tâm du lịch có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến. Tăng tỉ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo một cách hợp lý tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, hữu cơ, nông nghiệp phục vụ đô thị tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Tăng diện tích trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến tại các vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía bắc.

Tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng để hỗ trợ hình thành các hành lang kinh tế và sớm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực. Xây dựng đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực, các hành lang kinh tế. Nâng cấp, xây dựng các cảng biển, cảng hàng không cửa ngõ quốc tế.

Đẩy nhanh xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng hàng không lớn.Phát triển hạ tầng năng lượng, bảo đảm cung cấp năng lượng đầy đủ, ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu quốc gia. Phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Hình thành các vùng động lực quốc gia

Về định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu).

Từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn: Hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 6 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Phát triển các vùng biển dựa trên phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hoá, tính đa dạng của hệ sinh thái; bảo đảm hài hòa, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành, lĩnh vực trên biển và trên đất liền.

Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai. Bố trí quỹ đất phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian liên ngành, liên vùng. Quản lý diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha; chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao. Mở rộng diện tích đất khu công nghiệp, tập trung tại các vùng động lực, gắn kết với các hành lang kinh tế.

Định hướng giữ nguyên các vùng thông báo bay hiện hành, gồm vùng thông báo bay Hà Nội và vùng thông báo bay Thành phố Hồ Chí Minh. Tối ưu hóa việc tổ chức, quản lý vùng trời của các cảng hàng không, sân bay hiện có và dự kiến xây dựng mới.

Xây dựng hệ thống đô thị thông minh; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, Quy hoạch xác định sẽ xây dựng hệ thống đô thị quốc gia theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Quan tâm phát triển các đô thị trung bình và nhỏ.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, xanh, sạch, đẹp gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo sinh kế bền vững cho người dân; xã hội nông thôn ổn định; dân trí được nâng cao; an ninh, trật tự được đảm bảo. Xây dựng các mô hình phân bố dân cư phù hợp với từng vùng sinh thái tự nhiên và các đặc điểm văn hoá, dân tộc, điều kiện kinh tế - xã hội.

Bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên

Về định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, Quy hoạch xác định việc phân bổ tài nguyên nước hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương; bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, môi trường trên các lưu vực sông.

Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản, giảm dần mức độ khai thác phù hợp với trữ lượng, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm cân đối giữa khai thác, sử dụng trước mắt với yêu cầu dự trữ tài nguyên khoáng sản lâu dài. Hình thành các cụm mỏ có quy mô đủ lớn để thu hút đầu tư đồng bộ, áp dụng công nghệ hiện đại từ thăm dò, khai thác đến chế biến sâu.

Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường. Bảo tồn, bảo vệ, mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, các hành lang đa dạng sinh học.

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước quản lý rủi ro thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững. Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống thiên tai. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, phấn đấu theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của quốc gia.

Quy hoạch cũng xác định rõ nội dung yêu cầu về kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm; đáp ứng yêu cầu phòng thủ gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên

Liên quan đến giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc tại phiên họp thứ 18 diễn ra vào chiều 21/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia đã dự báo tổng nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, xây dựng hệ thống các giải pháp để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế; đồng thời dự báo nhu cầu lao động cho nền kinh tế và đề xuất các giải pháp về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo BaoChinhphu.vn
Lượt xem: 279  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207