Ngày đăng 20/12/2022 | 12:00 AM

Cần sớm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc tại đô thị

Lượt xem: 509  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đó là kết luận được rút ra tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc đô thị” do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức trong tháng này.


 

Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc tại đô thị là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo quản lý kiến trúc phù hợp với thực tế phát triển hiện nay.

 

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có tốc độ phát triển đô thị vượt bậc với gần 1.000 khu đô thị mới ra đời, xen lẫn với hệ thống đô thị cũ hiện hữu. Trong số này có không ít các đô thị thành công ở cả quy hoạch lẫn phong cách kiến trúc như Phú Mỹ Hưng, Phúc Khang, Vinhome…

Tuy nhiên, vẫn có một số đô thị thiếu bản sắc, có xu hướng đồng nhất hóa về hình thái, cấu trúc và diện mạo kiến trúc. Bên cạnh đó là những hệ quả của quá trình đô thị hóa mất kiểm soát như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, mật độ cư trú quá tải, thiếu hụt các tiện ích thuộc hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thiếu vắng cây xanh và mặt nước…

Việc các khu đô thị mới hình thành rất nhanh sẽ mang đến một làn gió mới cho hệ thống đô thị Việt Nam, nhưng cũng là thách thức cho các đô thị cũ. Đó là những đô thị thiếu tính nối kết không gian và không thống nhất về hình thái kiến trúc, rất cần một định hướng trong quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và quy định mới trong thiết kế kiến trúc.

Việc không tuân thủ các quy định trong xây dựng khá phổ biến, trong khi bộ máy quản lý của Nhà nước có phần buông lỏng, thiếu sự hướng dẫn thực hiện, việc xử lý vi phạm lại không nghiêm minh, không kịp thời khiến bộ mặt đô thị khá lộn xộn, không hài hòa, thiếu tính thống nhất trong tổng thể hệ thống đô thị.

Đứng trước thực trạng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, công tác quản lý kiến trúc tại các đô thị là một trong những yêu cầu bức thiết nhằm hình thành bộ mặt đô thị hiện đại, đồng bộ, phát triển bền vững và tạo môi trường sống thuận lợi cho người dân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu trên, việc sớm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc tại đô thị là vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo quản lý kiến trúc phù hợp với thực tế phát triển hiện nay.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng của Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), quy chế quản lý kiến trúc đô thị cần phải lồng ghép và tuân thủ các bộ luật. Bên cạnh đó, quy chế cần phải lưu ý 3 vấn đề quan trọng là bảo tồn, môi trường và phát triển, tôn trọng ý kiến của cộng đồng xã hội trong mọi kiến tạo, đặc biệt đối với các đô thị lịch sử, di sản và hiện hữu.

Khi xây dựng quy chế quản lý, quản trị và vận hành cần chú ý đến vấn đề kinh tế đô thị, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ tiêu mật độ dân số, khống chế mật độ cư trú.

 


Quy chế quản lý kiến trúc sẽ là một công cụ pháp luật quan trọng để phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị có giá trị.

 

Bên cạnh đó, quy chế quản lý kiến trúc đô thị cũng phải bao gồm tiêu chuẩn về nghệ thuật và thiết kế không gian công cộng, lưu ý đến việc kết nối các hệ sinh cảnh đi đôi với hoàn chỉnh các thiết kế thuộc hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị như vỉa hè, cây xanh, công viên, giao thông công cộng…

PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan của Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, quy chế quản lý kiến trúc là một công cụ pháp luật mới được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị có giá trị.

Mặt khác, quy chế cũng sẽ kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng, từ tổng thể đến chi tiết cho các thành phố ở Việt Nam trong tiến trình phát triển.

Phương Trang/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 509  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207