Hiện, số lượng ôtô tăng khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô luôn phức tạp. Có thể thấy, quy hoạch giao thông đô thị luôn là vấn đề thách thức trong phát triển đô thị hiện nay. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thì việc lập quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hay tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển giao thông là vấn đề ưu tiên hàng đầu.
Tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành đem lại nhiều tín hiệu tích cực về sự phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô.
Thời gian qua Thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị.
Phải kể đến hàng loạt công trình được hoàn thành, đưa vào khai thác như: Đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu vượt nút giao Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên; hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5... Trung ương cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn như: Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân… từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô.
Tuy nhiên, theo thống kê và báo cáo của Sở Giao thông Vận tải cũng như UBND Thành phố Hà Nội, tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông còn thấp, trong khi tốc độ của phương tiện tăng chóng mặt khiến tình trạng ùn tắc trên địa bàn Thủ đô còn diễn biến phức tạp.
Khi các dự án công trình giao thông lớn hoàn thành, người dân hy vọng sẽ giảm bớt tình trạng ùn tắc tại các vị trí cửa ngõ Thủ đô.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: Có thể nói, định hướng về phát triển giao thông, quy hoạch ở Hà Nội nói riêng đã được quan tâm qua nhiều quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết. Nhưng nhều năm nay, việc triển khai còn rất chậm, không đạt tiến độ.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này phải kể đến thiếu nguồn lực thực hiện. Điển hình là có quá ít tuyến giao thông được xây dựng, hoàn thiện, đường sắt đô thị cũng mất đến một thập kỷ mới đi vào vận hành. Các tuyến đường giao thông huyết mạnh cũng trong trạng thái “ì ạch”, Vành đai 2, Vành đai 3 được quy hoạch từ 1992 nhưng đến nay mới hoàn thiện dần. Như vậy có thể thấy, nguồn lực thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông còn chậm.
Tuy nhiên, khó khăn nhất phải kể đến là công tác giải phóng mặt bằng, cơ chế đền bù… để thực hiện các tuyến đường. Không chỉ vậy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, ôtô tại các thành phố lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển hạ tầng giao thông. Vì vậy, cần đẩy mạnh hệ thông giao thông công cộng. Ngoài ra, dân số cũng đang tăng lên quá lớn, nhất là tăng dân số cơ học – vượt ngoài mức quản lý của Bộ, ngành. Theo số liệu, số lượng ôtô tại Hà Nội tăng khoảng 10,2%/năm, xe máy khoảng 6,7%/năm, vượt gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Quy mô dân số cũng không ngừng tăng, trong khi các tuyến đường hầu như không được mở rộng.
Như vậy, dù đã được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, có định hướng đầy đủ, nhưng còn nhiều bất cập dẫn đến tốc độ phát triển hạ tầng giao thông, cụ thể là đất cho giao thông không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Từ đó, một loạt các vấn đề nảy sinh như ùn tắc, điểm đen giao thông, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển…
Theo Nghị quyết Trung ương 6 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, năm 2030 đạt trên 50%. Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định quan điểm mục tiêu phát triển và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cho phát triển Thủ đô Hà Nội.
Trong thời gian tới, để đảm bảo phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững, cần dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông, đảm bảo đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh đạt bình quân 5 - 20% đất đô thị.
Mặt khác, việc phát triển không gian ngầm cũng sẽ là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, cải thiện sự thông thoáng cho đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Cụ thể, Hà Nội sẽ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Chương trình phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, Hà Nội sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng như: Xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5…; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Mở rộng không gian phát triển cho thành phố, tạo sức hút giãn mật độ dân cư ra ngoài khu vực trung tâm đô thị, từ đó định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực lên hệ thống đường giao thông hiện có... cũng là những giải pháp được triển khai.
Ngoài ra, tới đây Thành phố sẽ tập trung phát triển các huyện lên quận, phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện phát triển thành quận, đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận…
Được biết, mới đây Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất thành phố danh mục các công trình giao thông quan trọng cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có 6 dự án đường sắt đô thị; 7 công trình đường vành đai; 9 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống; 5 dự án cải tạo quốc lộ qua địa bàn Hà Nội; 7 nút giao thông, hầm chui... Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư là 150.571 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 139.427 tỷ đồng và vốn vay ưu đãi là 31.144 tỷ đồng…