Sáng 25/10/2022 tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã diễn ra buổi họp báo cáo kết quả thực hiện Dự án “ Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam (ISCB)” và kế hoạch triển khai trong những năm tiếp theo.
Đến dự buổi làm việc có TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện, TS. Phạm Văn Bộ - Phó Giám đốc Học viện, Giám đốc Ban QLDA ISCB; bà Sibylle Bachman - Phó Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO); Ông Phạm Thái Sơn - Quản lý dự án ISCB UN-Habitat; Ông Bùi Văn Phương, Cán bộ đầu mối dự án ISCB tại Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cùng đại diện các Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) và các đơn vị có liên quan đến Dự án.
Nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các thành phố tăng cường cơ chế quản lý và quy hoạch đô thị tích hợp, UN-Habitat đã phối hợp với Bộ Xây dựng đề xuất Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (Dự án ISCB). Lễ khởi động Dự án được diễn ra vào ngày 13/4/2021.
Dự án gồm các Hợp phần: Nâng cao năng lực; Chính sách và pháp luật; Thí điểm. Dự án đã nhận được tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ - SECO để triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025. UN-Habitat là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật và điều phối tổng thể triển khai Dự án. Bộ Xây dựng đóng vai trò cơ quan chủ quản Dự án, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC, thuộc Bộ Xây dựng) đóng vai trò chủ Dự án. Cục Phát triển đô thị (thuộc Bộ Xây dựng), Vụ Quản lý quy hoạch (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là các đơn vị đồng triển khai Dự án. Dự án hỗ trợ 3 thành phố được lựa chọn triển khai Hợp phần Thí điểm.
Toàn cảnh buổi làm việc
Mở đầu buổi làm việc, TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện nhấn mạnh: với vai trò là chủ Dự án kết hợp với các đơn vị triển khai, trong thời gian qua các đơn vị liên quan đã nỗ lực triển khai khá nhiều việc nhưng vẫn còn có những nội dung cần thực hiện quyết liệt để Dự án hoạt động hiệu quả hơn. Ông bày tỏ mong muốn tại buổi làm việc này các đơn vị sẽ xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, thích hợp, đưa ra những ý kiến trao đổi thẳng thắn để phối hợp tốt hơn để triển khai nguồn tài trợ của Chính phủ Thụy Sĩ đối với Việt Nam được hiệu quả hơn.
Theo bà Sibylle Bachman - Phó Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO): “Chúng ta cùng trao đổi để đạt mục đích đặt ra. Chúng tôi tin tưởng Dự án được thiết kế tốt để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực, thể chế cho đô thị Việt Nam. Để đáp ứng được yêu cầu, chúng ta cần làm rõ công việc và mốc thời gian cần thực hiện trong giai đoạn tiếp theo”.
Trong qua trình diễn ra buổi làm việc, đại diện của AMC, Unhabitat, Cục Phát triển đô thị, Vụ quản lý quy hoạch đã báo cáo kết quả thực hiện Dự án cho đến tháng 10/2022 cũng như đưa ra kế hoạch triển khai Dự án giai đoạn tới. Theo đó, ngoài việc chia sẻ các khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai Dự án, các bên đã trao đổi kỹ lưỡng và thống nhất những công việc triển khai tất các các hoạt động và mốc thời gian hoàn thành của Dự án để cùng nhau triển khai một cách hiệu quả nhất.
Kết thúc buổi làm việc, với vai trò cơ quan làm chủ Dự án, Giám đốc Trần Hữu Hà nhấn mạnh tầm quan trọng về sự phối kết hợp, chia sẻ thông tin giữa các bên trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Cần Xây dựng ký kết thỏa thuận hợp tác (AOC) năm 2023 và gia hạn AOC năm 2022 cũng như kế hoạch chi tiết quá trình triển khai, làm rõ nhiệm vụ các bên cùng mốc thời gian cụ thể để hoàn thành. Song hành kế hoạch tổng thể, tiến hành các hoạt động ký MU… Các văn bản phải có phản hồi trong thời gian nhất định, hàng tháng có các phản hồi cụ thể để giải quyết những bất cập nếu có. Giám đốc Trần Hữu Hà mong muốn các chuyên gia SAM và những bên liên quan dành nhiều thời gian cho Dự án hơn để đảm bảo mục tiêu mong muốn của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Thụy sĩ dành cho Dự án này.