Ngày đăng 14/10/2022 | 12:00 AM

Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết phát triển vùng Tây Nguyên

Lượt xem: 406  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết phát triển vùng Tây Nguyên

Sáng 14/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu của các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị là một trong các điểm cầu kết nối trực tuyến với sự tham gia của Đảng ủy, Ban Giám đốc và cán bộ chủ chốt các đơn vị.

 


Điểm cầu Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị

 

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo những nội dung cơ bản của Nghị quyết 23 về phát triển vùng Tây Nguyên.

Theo đó, vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; phía Bắc và phía Đông giáp 6 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận; phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Campuchia; với diện tích tự nhiên là 54.548km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước…

Vùng Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được, đặc biệt khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước và khoảng 10 tỷ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước.

Thống kê cho thấy, GRDP bình quân vùng giai đoạn 2002 – 2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ. Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%).

Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất nông sản lớn (cà phê, cao su, chè, tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy), nhiều mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước…

Đến năm 2030 Tây Nguyên phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt 7 – 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt ngưỡng 130 triệu đồng/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,2 - 40,7%; Hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 – 1,5 %/năm.

Tầm nhìn đến 2045 đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.

Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong Vùng Tây Nguyên. Trong đó, phát triển Tây Nguyên hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường…

Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển…

Đây là Hội nghị thứ 3 về phát triển vùng. Trước đó, vào tháng 4/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Admin
Lượt xem: 406  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207