Ngày đăng 26/09/2022 | 12:00 AM

Thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam

Lượt xem: 260  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam

Theo kế hoạch, trong các ngày 13 - 14/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26”. Đây là một trong những chương trình hành động của ngành Xây dựng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26: Phát thái ròng bằng “0” vào năm 2050.

Sau thành công của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020, Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 sẽ là diễn đàn mở uy tín, là nơi thúc đẩy đối thoại, kết nối hợp tác đa chiều với sự tham dự của hơn 1200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương; các tổ chức quốc tế; các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, các đơn vị phát triển, quản lý dự án, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn – thiết kế, các kiến trúc sư và các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng những doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật liệu, thiết bị và công nghệ sử dụng trong các công trình xây dựng.


Ảnh minh họa

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đã đạt được các mục tiêu quan trọng và thể hiện quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới. COP26 đã đưa ra 4 mục tiêu đó là: Đưa phát thải ròng toàn cầu về 0 vào giữa thế kỷ này, giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,50C; Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường tự nhiên; Huy động tài chính cho lời hứa 100 tỷ USD; Đoàn kết vì mục tiêu khí hậu. Tại COP26, Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Thực tế, các cam kết đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Chiến lược và Kế hoach hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững… Các Bộ, ngành, địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP26. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26” 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Về phát triển công trình xanh, qua hơn 10 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Thực tế đòi hỏi việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh, trong những năm qua Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hơp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế như Chính phủ Đan Mạch, UNDP, IFC-WB, GIZ, Đại sứ quán Vương quốc Anh… Từ năm 2012, Bộ Xây dựng đã hợp tác với IFC-WB để soát xét, ban hành QCVN 09:2013/BXD và từ năm 2015 đã hợp tác để phát triển công cụ đánh giá, chứng nhận công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và năng lượng theo chứng chỉ EDGE.

Việc tổ chức Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam thành sự kiện thường niên của ngành Xây dựng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.

Trong khuôn khổ của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 gồm các sự kiện: Thăm quan thực tế tại dự án công trình xanh; Lễ trao chứng nhận công trình xanh và vinh danh các đơn vị có đóng góp trong việc thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam; 01 phiên Toàn thể và 03 phiên thảo luận chuyên đề. Ngoài ra còn có một số sự kiện bên lề tổ chức tại các địa phương như các hội thảo, khóa đào tạo, các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về phát triển công trình xanh.

Tại các phiên họp - thảo luận, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các báo cáo viên sẽ đi sâu bàn luận, trao đổi kinh nghiệm quy hoạch, phát triển công trình xanh và xây dựng đô thị bền vững, hướng tới thiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26. Trong đó, phiên toàn thể sẽ do lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện các Bộ ngành liên quan, đại diện các địa phương cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam chủ trì với nội dung thúc đẩy công trình xanh hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26. Tại phiên họp này sẽ tập trung vào những nội dung quan trọng như: giải pháp và kế hoạch  hành động của ngành Xây dựng thực hiện mục tiêu cam kết COP26; Phát triển công trình xanh ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tưới mục tiêu  “Net Zero”- Báo cáo của UNDP; “Thiết lập cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công trình xanh”- Đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ; Công trình xanh: Xu hướng toàn cầu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Cơ chế tài chính và phát huy các nguồn lực cho dự án xanh; Đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số thúc đẩy xây dựng công trình xanh bền vững…

 Các phiên tọa đàm tại các hội thảo chuyên đề và phiên toàn thể trong khuôn khổ sự kiện cũng sẽ là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý đối với khung chính sách nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; Đề xuất, kiến nghị về mô hình điều kiện gia tăng nguồn cung - cầu về các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng;Triển vọng dài hạn của khu vực tư nhân hướng tới công trình cân bằng năng lượng vào năm 2050; Cơ chế thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, những đề xuất mới, mô hình mới về công trình xanh tại Việt Nam.

Tại 03 hội thảo chuyên đề:

Chuyên đề 01 tập trung vào nội dung kiến tạo công trình bảo vệ sinh thái và nâng cao chất lượng đời sống. Các tham luận chủ yếu bàn về xu hướng kiến trúc xanh trong tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam; chính sách thúc đẩy phát triển công trình tiết kiệm năng lượng từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam. Các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ chia sẻ kinh nghiệm triển khai phát triển dự án công trình xanh; phát triển công trình xanh đáp ứng nhu cầu sống chất lượng cao của người dân; định hướng việc đầu tư cho công trình xanh nhằm giúp nâng cao chất lượng đời sống đô thị; tiêu chuẩn Net-zero để có công trình "cân bằng năng lượng" hướng tới tương lai...

Chuyên đề 02 với chủ đề vật liệu xây dựng xanh và giải pháp đảm bảo môi trường sống và chất lượng công trình đi sâu vào các vấn đề cụ thể như: xu hướng phát triển và ứng dụng vật liệu xanh bền vững trên thế giới; công nghệ sản xuất gạch không nung hướng phát triển bền vững vì môi trường; cắt giảm phát thải khí nhà kính với bê tông "xanh", kính tiết kiệm năng lượng - xu hướng phát triển của tương lai...

Chuyên đề 03 có chủ đề giải pháp và công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng. Các tham luận tập trung vào các vấn đề thiết thực trong thực tiễn như: Xu hướng sử dụng tài nguyên và năng lượng tại các tòa nhà; cách tăng cường hiệu quả năng lượng trong tòa nhà với hệ thống thông minh; giải pháp tiết kiệm nước với thiết bị vệ sinh thế hệ mới; ứng công nghệ mới trong hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; triển khai áp dụng hệ thống camera giám sát tích hợp AI để đáp ứng nhu cầu an ninh gia tăng...

Các hội thảo chuyên đề của sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Song song với các chương trình hội thảo, Triển lãm Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 cũng sẽ quy tụ hơn 20 nhà cung cấp công nghệ tòa nhà, vật liệu xây dựng, đơn vị phát triển công trình đi đầu trong xu hướng tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp trong nước và khu vực bao gồm: Panasonic, Daikin, Phúc Khang, Fraser Property, Saint Gobain,…

Các hoạt động của Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 sẽ được đưa tin, đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài ngành Xây dựng. Các thông tin, tài liệu trước, trong và sau sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam được đăng tải trên trang web và fan page của sự kiện: https://greenbuildingweek.xaydung.gov.vn/2022/


Admin
Lượt xem: 260  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207