Ngày đăng 31/08/2022 | 12:00 AM

Khuyến nghị những chính sách kinh tế trong sửa đổi Luật Đất đai 2013

Lượt xem: 432  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng tĐại học kinh tế Quốc dân, đã đề cập đến việc bãi bỏ khung giá đất, xây dựng khung giá đất sát giá thị trường.

 


(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN).

 

Ngày 30/8, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề "Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Đất đai."

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và cơ quan hữu quan trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 (Nghị quyết 18) trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Khoảng 100 nhà khoa học đến từ các cơ quan, tổ chức tham gia hội thảo.

Luật Đất đai năm 2013 ra đời đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW/2012 và Luật Đất đai năm 2013 đã xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập.

Tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao."

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Tiến sỹ Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Tổng cục Quản lý đất đai nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến Luật Đất đai 2013 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, bởi đây là luật có phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, liên quan nhiều luật và trên thực tế thực hiện gặp nhiều vướng mắc.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết các mâu thuẫn có liên quan đến đất đai, cố gắng phân cấp triệt để cho các địa phương xử lý các vấn đề về đất đai, đảm bảo sự cân bằng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo hướng người sử dụng đất được hưởng lợi nhiều nhất; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sử dụng công cụ hiện đại, ứng dụng công nghệ để đảm bảo tính minh mạch trong xử lý về đất đai.

Đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, Giáo sư-Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế Quốc dân, đã đề cập đến việc bãi bỏ khung giá đất, xây dựng khung giá đất sát giá thị trường. Đây là cuộc cách mạng, thay đổi về tư duy quản lý từ biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường. Cần có quyết tâm chính trị cao để có thể xóa bỏ cơ chế xin-cho, các yếu tố tính cá nhân, bởi đây là những rào cản, động chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều đối tượng.

 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

 

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường khuyến nghị cần phân định giá cả thị trường và giá trị thị trường của đất đai, bảng giá đất phải phù hợp với giá trị thị trường và cập nhật giá đất hàng năm, quy định quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với đất chuyển nhượng giá thấp, bổ sung thu hồi đất do vi phạm về luật đất đai.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường có ý kiến về việc định giá đất, thẩm quyền định giá đất, việc chống đầu cơ và điều tiết giá trị gia tăng từ đất, thu hồi và bồi thưởng tái định cư cùng các khuyến nghị khác về xây dựng cơ sở dữ liệu số đưa thông tin giá và thuế đất, cập nhật cho từng thửa đất, bổ sung quy định về tái điều chỉnh đất đai với sự đồng thuận của người sử dụng đất, cho thuê, nhận góp vốn bừng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với doanh nghiệp…

Về vấn đề đất có nguồn gốc nông lâm trường quốc doanh, nông dân không có hoặc thiếu đất, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ cho biết cả nước có 256 công ty nông, lâm nghiệp trong đó có 120 công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông nghiệp và 136 công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do 49 địa phương, tập đoàn, tổng công ty quản lý thuốc diện thực hiện sắp xếp đổi mới. Các công ty này quản lý và sử dựng hơn 2,22 triệu ha đất, trong đó hơn 2,19 triệu ha đất nông nghiệp và hơn 36.800 ha đất phi nông nghiệp. Sau khi thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, các công ty tiếp tục quản lý, sử dụng 1,858 triệu ha đất, gồm hơn 1,836 triệu ha đất nông nghiệp và hơn 21.000 ha đất phi nông nghiệp.

Đến nay, còn 95 doanh nghiệp vẫn chưa trình phương án sắp xếp. Hiện trạng sử dụng đất nông lâm nghiệp cho hiệu quả sản xuất sau khi sắp xếp lại vẫn chưa hiệu quả, vẫn tồn tại nhiều vấn đề tài chính cũ, việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận công ty, tình trạng tranh chấp đất đai…

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ cho biết những vấn đề tồn tại liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh được đề cập trong Nghị quyết 18 đã được nhiều đơn vị kiến nghị phương án giải quyết.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đề cập đến các vấn đề về xác định giá đất theo cơ chế thị trường, phương pháp định giá đất và tổ chức định giá, thuế đất hạn chế đầu cơ và điều tiết giá trị tăng thêm từ đất, thu hồi và chính sách bồi thường khi thu hồi đất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách kinh tế khác về đất đai.

Các ý kiến đều ghi nhận, các định hướng mới về quản lý và sử dụng đất được đưa ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ có những tác động tích cực tới phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc bảo đảm được hài hòa lợi ích của của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất sẽ giúp giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn./.

Theo Ngọc Bích (TTXVN/Vietnam+)
Lượt xem: 432  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207