Để bảo đảm chỉ tiêu "tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng đến năm 2030 đạt 100%", UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, tham mưu triển khai các nhóm giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu sang đốt phát điện.
69% rác thải được chôn lấp hợp vệ sinh
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện nay, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố đã được xã hội hóa 100%; công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh. Trong giai đoạn 2016 - 2021, thành phố đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn. Hiện nay, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn khoảng 10.000 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 5 bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt (bãi chôn lấp số 1, 1A, 2, Đông Thạnh, Gò Cát). Để quản lý hiệu quả, thành phố đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa để phủ đỉnh các bãi chôn lấp 1, 1A, 2; cải tạo, phục hồi đối với 2 bãi chôn lấp Đông Thạnh và Gò Cát. Nhiều công ty cũng đề xuất phương án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt như cải tạo mặt bằng để xây dựng công viên khoa học, khu du lịch sinh thái; tạo quỹ đất sạch để hình thành khu đô thị mới… Hình thức thu hồi vốn được đa số các nhà đầu tư đưa ra là sử dụng quỹ đất sạch sau xử lý để phát triển khu đô thị. Tuy nhiên, việc xác định hình thức thu hồi vốn của các dự án đầu tư có liên quan đến quỹ đất sạch sau khi cải tạo các bãi rác đang được thành phố cân nhắc xem xét.
Theo các chuyên gia, hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó, rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, dự báo mỗi ngày sẽ phát sinh từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải. Trong hoàn cảnh hệ thống công trình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa thì rác thải đã làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết.
Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần khẩn trương hơn trong việc triển khai các dự án đốt rác phát điện nhằm tránh lãng phí. Bởi, công nghệ đốt rác không chỉ hạn chế phát sinh mùi hôi, bảo đảm môi trường sống cho người dân quanh khu vực mà còn tiết kiệm diện tích chôn lấp, không cần phân loại rác tại nguồn như hiện nay. Vấn đề là thành phố cần xác định các vướng mắc và nhanh chóng vào cuộc, tháo gỡ cho nhà đầu tư.
TP. Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80% - Nguồn: ITN
Triển khai 4 dự án đốt phát điện
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố, hiện nay, có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang triển khai, trong đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty CP Vietstar (2.000 tấn/ngày), Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Đồng thời, 2 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ, gồm: Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ khoảng 7.500 tấn/ngày.
Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt với tổng công suất 2.000 tấn/ngày, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo và lấy ý kiến các đơn vị.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đã có Văn bản số 808/UBND-DA ngày 17.3.2022 giao Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố theo phương thức đối tác công tư (PPP). Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổ công tác liên ngành (thành viên gồm đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng) thẩm định dự án xử lý chất thải trên địa bàn thành phố, làm việc với nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt như Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty TNHH EVGreen.
UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định, với 2 nhóm giải pháp nêu trên, nếu các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt đúng tiến độ và việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mới xử lý chất thải rắn sinh hoạt có kết quả, nhà đầu tư hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành chậm nhất trong năm 2025 thì Thành phố bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu "Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng đến năm 2030 đạt 100%".