Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất sớm giải quyết một số vướng mắc của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, một trong những hội dung được HoREA kiến nghị lần này đó là tiếp tục sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở” thì được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, để tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại, tăng nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền để khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu, lệch pha phân khúc thị trường, đồng thời kéo giảm giá nhà, tiến tới bình ổn giá nhà.
HoREA cho rằng, điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 quy định, trường hợp nhà đầu tư phải có 100% đất ở thì mới được công nhận chủ đầu tư, mà loại dự án có 100% đất ở chỉ chiếm khoảng 1% trên thị trường bất động sản.
Như vậy, có đến khoảng 99% dự án nhà ở là có quỹ đất hỗn hợp (gồm “đất ở và các loại đất khác”) hoặc có quyền sử dụng “đất khác không phải là đất ở” (như có 100% đất nông nghiệp hoặc có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở).
Trong khi đó, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở, nhưng vẫn không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nên trong giai đoạn 2015-2020 đã “đóng băng” tất cả các dự án có quỹ đất hỗn hợp hoặc có “đất khác không phải là đất ở” không thể triển khai thực hiện.
Do đó, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự án, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội và gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp đã bỏ ra khoản tiền rất lớn để chuẩn bị quỹ đất dự án, phải chịu nhiều rủi ro do bị đọng vốn kéo dài.
Mặt khác, tại điểm c khoản 2 Điều 22 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 đã chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với các quy định của Luật Đất đai 2013 (nêu trên) và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định về “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” trong trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư”.
Cũng tại điểm c khoản 2 Điều 22 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 là một nguyên nhân chủ yếu làm “tắc” nguồn cung dự án nhà ở (mới) nên có thể đã “làm lợi” cho một số chủ đầu tư có sẵn dự án nhà ở thương mại chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn 2015-2020, mà đa số dự án này cũng chỉ có quỹ đất hỗn hợp, hoặc có “đất khác không phải là đất ở” nhưng đã được công nhận chủ đầu tư trước ngày 01/07/2015, hoặc được phê duyệt trước ngày 10/12/2015 là ngày Nghị định số 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực.
Theo HoREA, các quy định trên đây của Luật Nhà ở 2014 là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung nhà ở trong 06 năm qua.
“Mãi đến Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), tại điểm c khoản 1 Điều 75 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 mới bổ sung thêm 1 trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác… được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Mới đây, khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, nhưng vẫn chưa công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng “đất khác không phải là đất ở” (như có 100% đất nông nghiệp hoặc có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở), mặc dù Chính phủ đã có Tờ trình 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 rất hợp lý hợp tình” – HoREA đi sâu phân tích.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị tiếp tục sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở” thì được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai như Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 của Chính phủ trước đây.
Qua đó, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với khoản 1 Điều 73, điểm b khoản 1 Điều 169, khoản 2 Điều 191 và khoản 1 Điều 193 Luật Đất đai 2013 và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.