Tại Hội nghị giao ban về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành quý I, triển khai chương trình công tác quý II/2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung chuẩn bị công tác xây dựng Luật Đô thị nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị; chuẩn bị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý không gian ngầm…
Triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã xác định đúng, đầy đủ, tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, có trọng tâm trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 28/QĐ-BXD ngày 20/01/2022 ban hành Chương trình hành động để triển khai với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 80 nhiệm vụ cụ thể…
Tại Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải nước CHDCND Lào trong lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, Việt Nam và Lào đã phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện.
Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương xây dựng, cụ thể hóa các chỉ tiêu, xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đồng thời lấy ý kiến các Bộ, ngành và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý III/2022.
Ngày 10/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu Đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra 2 dự án nhà ở xã hội tại Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội).
Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, thành lập Tổ công tác liên ngành chủ động làm việc với các địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn, triển khai cho vay hỗ trợ đối với các đối tượng này, mang lại hiệu quả tích cực.
Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đang tiếp tục triển khai 339 dự án, quy mô xây dựng khoảng 372.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,6 triệu m2…
Thứ trưởng Lê Quang Hùng và Đoàn công tác thị sát một số địa điểm xung yếu trong Phòng chống thiên tai tại Hải Phòng.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng
Xác định hoàn thiện thể chế, pháp luật về xây dựng là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án năm 2022 và tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, về cơ bản các chương trình xây dựng các Luật, Nghị định, chương trình, đề án đáp ứng chất lượng, tiến độ được Quốc hội, Chính phủ giao.
Tại cuộc họp về Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát toàn bộ các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao và xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện cũng như ấn định rõ mốc thời gian hoàn thành.
Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định; trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 81/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Xây dựng; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Bộ cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội và được đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2023, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Báo cáo Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội các nội dung Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; ban hành theo thẩm quyền 01 thông tư; đang tiếp tục hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng…
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tình trạng tăng giá đột biến của các loại vật liệu xây dựng chủ yếu và những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư xây dựng; song song công tác hoàn thiện thể chế, rà soát các quy định pháp luật để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn, Bộ Xây dựng đã chủ động, kịp thời thành lập các tổ công tác, đoàn làm việc với nhiều Bộ ngành, địa phương; tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tăng cường hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong công tác quản lý chi phí.
Ngoài ra, Bộ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiến độ các quy hoạch ngành quốc gia được Chính phủ giao: Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng theo tiến độ chung…
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Những kết quả trên là tiền đề để Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng cuối năm, về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề án năm 2022 theo đúng tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung soạn thảo, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; xây dựng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng...
Rà soát, nghiên cứu, đề xuất mới các luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý và phát triển đô thị; cấp, thoát nước; quản lý không gian ngầm để báo cáo Chính phủ trước 30/9/2022.
Ban hành và áp dụng thử nghiệm Quy trình đánh giá an toàn công trình xây dựng trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP; tiếp tục triển khai công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; theo dõi tình hình thi hành theo chương trình, kế hoạch đề ra.
Tham dự Hội thảo “Hoàn thiện hệ thống suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp”, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh, cần phải có nghiên cứu để đổi mới hệ thống, có thể thiết kế mẫu trên cơ sở tính toán cụ thể để áp dụng được trong thực tiễn.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, nhóm giải pháp, trong đó tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành Xây dựng đó là: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương; tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững; chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu
Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, bảo đảm thực hiện nghiêm tiến độ, chất lượng công tác theo kế hoạch...