Ngày đăng 09/06/2022 | 12:00 AM

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị: Tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật

Lượt xem: 412  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Được sự cho phép của Chủ tọa phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, chiều 8/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm rõ một số nội dung liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS).

 


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn chiều 8/6.

 

Thị trường BĐS phát triển mạnh

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Thị trường BĐS là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Thời gian qua, thị trường BĐS nước ta đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường…, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

 


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường BĐS lành mạnh.

 

Bộ trưởng cho biết, đến nay hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đã cơ bản được hoàn thiện, gồm Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… và nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS.

Trong năm 2021 và quý I/2022, thị trường BĐS dù vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có chuyển biến, đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển. Tổng lượng giao dịch BĐS cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao và hầu như không phát sinh lượng tồn đọng BĐS mới. Tỷ lệ bỏ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần…

Nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường BĐS chưa ổn định, chưa lành mạnh

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thì thị trường BĐS đang bộc lộ các hạn chế, bất cập.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã thẳng thắn chỉ ra những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh của thị trường BĐS, gồm: Hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS... vẫn còn bất cập, cần sửa đổi để thống nhất; Khó khăn về nguồn cung BĐS, bao gồm cả nguồn cung nhà ở thương mại, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân); Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp (phổ biến là BĐS các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, BĐS du lịch, trong khi đó, thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình).

Giá BĐS, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. “Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở” – Bộ trưởng cho nhận định. Đáng nói hơn nữa là từ năm 2021 đến nay, ở nhiều địa phương tại một số khu vực, địa điểm có hiện tượng tăng giá đột biến, sốt giá đất nền (với tỷ lệ tăng 30-50%, thậm chí cao hơn so với cuối năm 2020).

Các sàn giao dịch BĐS hoạt động thiếu ổn định; Hoạt động môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt; Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường BĐS tại các địa phương có tồn tại, bất cập; Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro.

Chính sách thuế đối với sử dụng BĐS và hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS còn chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư, kinh doanh, mua đi, bán lại dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm giữ BĐS, thậm chí còn trốn thuế trong giao dịch BĐS, làm thất thu ngân sách.

Hoạt động của thị trường BĐS còn thiếu công khai, minh bạch do thiếu hệ thống thông tin dẫn đến lợi dụng, tung tin, nhiễu loạn thị trường…

Tăng cường quản lý thị trường BĐS

Để đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất một số giải pháp chính.

Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Đồng thời tăng cường quản lý thị trường BĐS; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp…

Thứ hai, theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường BĐS để kịp thời có giải pháp ổn định, lành mạnh thị trường khi cần thiết. Kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh BĐS để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng… để thúc đẩy triển khai tạo nguồn cung cho thị trường.

Thứ ba, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.

Thứ tư, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; Tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật; Các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án BĐS để góp phần tăng nguồn cung; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS; Nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ BĐS; Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.

Thứ năm, khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương; Công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các Dự án phát triển hạ tầng, các dự án BĐS lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng thông tin đồn thổi nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp.

Thứ sáu, hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.

Thứ bảy, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS; xử lý các hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị Hội nghị về phát triển thị trường BĐS lành mạnh, hiệu quả, bền vững…

Xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển

Trước đó, cũng tại phiên chất vấn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng: Cho vay kinh doanh BĐS vẫn là lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ những công cụ, biện pháp toàn diện, mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát có hiệu quả hơn nguồn vốn cho vay kinh doanh BĐS?

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng cho rằng có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực sự được vay vốn tín dụng để mua đầu tư, nhà tự sử dụng tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ. Thống đốc có giải pháp chủ yếu như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trên tiếp cận được nguồn vốn?

 


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

 

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với tín dụng BĐS là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng BĐS thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.

Điều hành phiên chất vấn, liên quan đến tài chính cho thị trường BĐS, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Với thị trường BĐS, phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”. Tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đó phát triển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tuần tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp tục báo cáo Quốc hội về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% thì đối tượng được ưu tiên là cải tạo chung cư cũ, đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội để bán, để cho thuê hoặc thuê mua…

 

Quý Anh/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 412  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207