Cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch.
Ngày 21/4, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ để đánh giá kỹ lưỡng các kết quả, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là thống nhất các giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác quy hoạch trong thời gian tới.
Sau đó, chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành. Theo kế hoạch, trong năm 2022 các quy hoạch này phải thực hiện xong, song theo đoàn giám sát của Quốc hội, thời gian còn lại chỉ 8 tháng, trong khi có những quy hoạch chưa xác định xong tư vấn. Do đó, khả năng không hoàn thành các quy hoạch theo tiến độ rất cao. Vì thế, Chính phủ đã có đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để gỡ khó trong việc thực hiện quy hoạch từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Nghị quyết này sẽ gồm các giải pháp triển khai ngay và cả giải pháp dài hạn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, giải pháp cấp bách cần triển khai ngay là cho phép áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn. Tuy nhiên, cần hạn chế việc 1 tư vấn cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ tư vấn, vì khó bảo đảm được chất lượng công việc.
Nhận định từ góc nhìn chuyên gia, KTS. Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết: Luật Quy hoạch được ban hành là một bước đột phá cho sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải lần duy nhất có sự điều chỉnh về quy hoạch chung. Từ năm 1954 đến nay, chúng ta đã có nhiều lần điều chỉnh hệ thống quy hoạch chung quốc gia. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đã lộ rõ nhiều bất cập, do đó Việt Nam bắt đầu nghiên cứu, điều chỉnh lại hệ thống đô thị quốc gia. Về Luật Quy hoạch, các chuyên gia cũng như dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng điểm sáng là Luật Quy hoạch đã “mạnh dạn” điều chỉnh nhiều điểm quan trọng trong hệ thống quy hoạch.
Một số vấn đề tồn tại như lộ trình thực hiện chưa hợp lý, nguồn lực thực hiện cũng còn nhiều vướng mắc. Luật Quy hoạch có giá trị thi hành từ tháng 3/2018 – dù Luật được ban hành 2017. Theo kế hoạch thì đến 2022 là cơ bản là phải hình thành hệ thống quy hoạch của quốc gia, quy hoạch vùng nhưng mà đến nay gần kết thúc năm 2022 thì chúng ta vẫn không đạt được cái yêu cầu đề ra về triển khai quy hoạch. Phải nói thêm, hiện mới thực hiện được khoảng 10 % của tổng số danh mục đã đề xuất. Ví dụ như các quy hoạch quốc gia thì ít nhất phải có 4 quy hoạch quốc gia, nhưng mà đến nay thì mới chỉ có 1 quy hoạch quốc gia được duyệt; phải cần 6 quy hoạch vùng thì đến nay mới chỉ có 1 quy hoạch vùng đồng bằng sông cửu longlà được duyệt. Đáng chú ý, cần duyệt 38 quy hoạch ngành thì đến nay cũng chỉ có 15 quy hoạch đang được nghiên cứu. Như vậy, hầu hết các hạng mục trong Luật Quy hoạch đều đang thực hiện vô cùng chậm trễ.
Toàn bộ 63 tỉnh thành cần có cả các quy hoạch phát triển mới nhưng mà đến nay thì mới chỉ có khoảng dưới 10 các cái tỉnh có quy hoạch được nghiên cứu và trong đó đi đầu là Bắc Giang, sau đó đến một số tỉnh như là Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng và vừa rồi là Vĩnh Phúc. Hiện quy hoạch Hà Nội mới được triển khai và một số được phê duyệt, quyết định nhiệm vụ thiết kế. Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được phê duyệt. Như vậy, quy hoạch Hà Nội tháng 3 được phê duyệt mà tháng 12/2022 đã đòi hỏi có quy hoạch đầy đủ để thực hiệnlà một thách thức cực kỳ lớn.
Tôi đánh giá, thách thức đầu tiên của Luật Quy hoạch là các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia đều thực hiện quá chậm bởi vướng mắc nhiều vấn đề nguồn lực cũng như nội dung. Khó khăn thứ hai là trình tự thực hiện quy hoạch. Cần rà soát lạ các quy hoạch ngành để đảm bảo triển khai những quy hoạch quan trọng nhất, còn lại những quy hoạch ngành không trực tiếp tác động đến quy hoạch chung thì có thể triển khai sau. Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có một đề xuất khả thi là triển khai song song các quy hoạch. Tuy nhiên, Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội không thể thay thế cho Luật được, do đó cần có một Nghị quyết mới của Quốc hội để rà soát lại công tác quy hoạch. Như vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, cần triển khai song song các quy hoạch chứ không thể triển khai từ trên xuống, tức là đồng bộ quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh…
Một tồn tại nữa là vấn đề điều chỉnh quy hoạch. Trong những cái năm vừa qua thì công tác điều chỉnh quy hoạch cũng thể hiện tính lưu báo của quy hoạch. Nhưng với quy hoạch tích hợp này thì công tác điều chỉnh quy hoạch lại càng cần phải quan tâm hơn nữa.
Không chỉ vậy, vấn đề thẩm định quy hoạch cũng cần được đánh giá lại. Hội đồng thẩm định quy hoạch đã được xác định trong Luật Quy hoạch nhưng mà có nhiều các cơ chế con thiếu cơ động, linh hoạt, thậm chí còn máy móc với tất cả quy hoạch. Vì thế, vai trò của Hội đồng thẩm định ở đây rất quan trọng. Như vậy cần phải điều chỉnh lại Hội đồng thẩm định quy hoạch này đi.
Kết luận lại, Luật Quy hoạch đã và đang bộc lộ rất nhiều tồn tại. Để đạt kết quả thực hiện tốt trong thời gian tới thì vấn đề cốt lõi là tháo gỡ những vướng mắc bằng Nghị quyết của Quốc hội, sau đó từ từ điều chỉnh cho phù hợp bằng những dự án nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch là bởi còn có sự bất cập về chính sách, pháp luật, có nội dung chưa thống nhất giữa Luật Quy hoạch với các luật khác, nhất là các văn bản pháp luật chuyên ngành. Cơ quan, ban ngành chức năng cũng như các địa phương từ thực tiễn triển khai vừa qua tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn những bất cập về chính sách, pháp luật, nêu rõ những kiến nghị về sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Quy hoạch cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan.