Báo cáo trước Hội đồng, Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Thu Nhàn cho biết, đàm phán, ký kết hợp đồng, thực hiện và giải quyết tranh chấp là một trong những yếu tố cơ bản, giúp doanh nghiệp xây dựng duy trì sự ổn định và thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Việc ký kết hợp đồng được thực hiện trên nguyên tắc tự do và bình đẳng; nội dung của mỗi hợp đồng luôn có sự khác nhau, nó phụ thuộc vào ý chí của các bên và yêu cầu của gói thầu xây lắp, dịch vụ tư vấn xây dựng khác nhau; trong các điều kiện, hoàn cảnh và thời điểm khác nhau. Điều quan trọng là phải xác định được những rủi ro trong các giao dịch của doanh nghiệp; loại bỏ hay giảm thiểu tối đa những rủi ro nếu có bằng việc sử dụng các điều khoản trong hợp đồng. Mặc dù vậy, trong thực tế vẫn có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng chưa quan tâm, chưa chú trọng đến công tác này. Doanh nghiệp xây dựng vẫn thường sử dụng những mẫu hợp đồng có sẵn mang tính khuôn sáo, đơn điệu và thậm chí lạc hậu so với pháp luật hiện hành. Doanh nghiệp xây dựng cũng thường dựa vào các mẫu hợp đồng có sẵn và xem như đó là những gợi ý cho việc thiết lập hợp đồng, từ đó dẫn đến việc thực hiện hợp đồng nhiều khi rất khó khăn, dễ xảy ra tranh chấp và thường bị thua thiệt mỗi khi kiện tụng.
Hình ảnh tiêu biểu của buổi họp nghiệm thu đề tài CS02-2.
Mục tiêu của đề tài nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hiểu và nắm bắt được các kiến thức pháp luật, kỹ năng cơ bản trong giao kết và thực hiện hợp đồng, giúp doanh nghiệp xây dựng sử dụng hợp đồng như một lợi thế nhằm duy trì sự ổn định và thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Sản phẩm của Nhiệm vụ: 01 bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng đàm phán, ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng với 04 chuyên đề, thời lượng 16 tiết (tương đương với 02 ngày).
Phát biểu tại Hội nghị, các ủy viên Hội đồng đánh giá cao việc biên soạn của nhóm tác giả. Nhiệm vụ đã đáp ứng tốt các yêu cầu, có tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần chỉnh sửa một số nội dung như về trình tự ký kết hợp đồng, việc soạn thảo hợp đồng xây dựng cần được phân tích thêm về một số yếu tố như: Bên soạn thảo hợp đồng thường là chủ đầu tư, Bên giao thầu; việc chuyển tải các kết quả lựa chọn nhà thầu vào nội dung hợp đồng xây dựng; các nguyên tắc áp dụng trong dự thảo hợp đồng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng TS. Nguyễn Anh Dũng nhất trí với các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng, đồng thời yêu cầu ban chủ nhiệm đề tài khẩn trương chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm của đề tài.
Với những kết quả đã đạt được, Đề tài cơ sở về “Nghiên cứu biên soạn bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng đàm phán, ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng”, mã số CS02-21 đã được Hội đồng nghiệm thu nhất trí nghiệm thu, đạt 34,3 điểm, xếp loại Khá./.