Ảnh minh họa (nguồn: TL).
Quy định về tài sản chung của vợ chồng tại Khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1, Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Còn tại Khoản 1, Điều 62, Luật Hôn nhân và gia đình quy định chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn thì quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.
Ngoài ra, Khoản 2, Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn như sau:
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Như vậy, mảnh đất được hình thành trước khi vợ chồng kết hôn thì đó là tài sản riêng và vợ (hoặc chồng) không có quyền yêu cầu chia quyền sử dụng đất đó khi ly hôn. Căn nhà và những tài sản chung khác được chia theo nguyên tắc nêu tại Khoản 2, Điều 59.